Chính sách cho lao động nữ: Nói vẫn nhiều hơn làm?

08/05/2013 09:39 AM


Đánh giá về các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam, ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam, cho rằng các chính sách cho lao động nữ của Việt Nam tương đối đầy đủ nhưng còn thiếu lực lượng giám sát để thể thực hiện tốt chính sách này.


Bên cạnh đó, theo ông Erwin Schweisshelm, độ bao phủ của chính sách pháp luật cũng đang là vấn đề cần xem xét ở Việt Nam khi mà hiện nay đối tượng được hưởng chính sách chủ yếu chỉ trong khu vực lao động chính thức (lao động có ký kết hợp đồng lao động), còn khu vực lao động phi chính thức (lao động tự do) vẫn còn đang bỏ ngỏ, vì vậy, cần có chính sách bảo vệ nhóm đối tượng này. Không chỉ Việt Nam mà ở các nước trong khu vực ASEAN, mặc dù có rất nhiều cam kết được đưa ra nhằm tăng cường an sinh xã hội, song các vấn đề liên quan tới việc làm cho nhóm yếu thế, đặc biệt cho lao động nữ vẫn đang là vấn đề nổi cộm. Tỷ lệ lao động nữ tham gia vào lực lượng lao động trong ASEAN hiện thấp hơn nam giới, lao động nữ thường bị trả lương thấp hơn so với với lao động nam. Ngoài ra, lao động nữ còn phải đối mặt với nhiều rào cản hơn khi tham gia lực lượng lao động so với nam giới, chẳng hạn như họ phải nghỉ để sinh con và chăm sóc con nhỏ, hoặc tham gia vào công việc gia đình mà không có thù lao. Những điều này đã tạo ra khó khăn cho lao động nữ trong việc được hưởng các chế độ An sinh xã hội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh, Việt Nam đang đẩy mạnh các chính sách An sinh xã hội cho lao động nữ. Chế độ thai sản tại nơi làm việc nhằm đảm bảo các quyền cơ bản cho lao động nữ như nghỉ thai sản, các lợi ích tiền mặt, chăm sóc sức khỏe, chống lại sự kỳ thị và bị sa thải. Đối với vấn đề lao động nữ di cư, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết: “Lao động nữ không chỉ phải đối mặt với các rào cản khi làm việc trong nước, lao động nữ di cư trong khu vực cũng gặp không ít khó khăn. Do vậy, các nước trong khu vực cần đưa ra các chính sách nhằm tăng cường an sinh xã hội cho lao động nữ di cư thông qua việc thúc đẩy các hiệp định giữa các nước thành viên nhằm đảm bảo cho người lao động nữ di cư và gia đình họ tiếp cận được các chương trình tại nước tiếp nhận”.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cho biết thêm: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thay đổi dân số trên toàn thế giới, sự hoạt động hiệu quả, bền vững của các hệ thống An sinh xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn. Đảm bảo An sinh xã hội luôn là chủ trương, định hướng lớn của Việt Nam. Việt Nam đã và đang triển khai một hệ thống chính sách, chương trình nhằm bảo đảm An sinh xã hội không chỉ cho phụ nữ mà còn cho mọi người dân thông qua cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh, lương thực, nhà ở, pháp lý và cứu trợ xã hội. Hiện Việt Nam có hơn 40 chính sách và chương trình bảo đảm An sinh xã hội cho nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên cho nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật...).

Đa số phụ nữ Việt Nam là người kiểm soát tài chính

Cuộc khảo sát về Quản lý tiền bạc của MasterCard tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với gần 7.000 người tham gia tại 16 quốc gia mới nổi. Phụ nữ tại Hàn Quốc, Indonesia và Việt Nam dẫn đầu khu vực với nhiều người trong số họ giữ vai trò kiểm soát tất cả bốn yếu tố. Cụ thể, trong việc chi tiêu cho giáo dục con cái, 59,8% phụ nữ tại Hàn Quốc, 57% tại Indonesia và 53,2% tại Việt Nam là người quyết định. Mua sắm vật dụng có giá trị lớn cũng do phụ nữ quyết định tại Hàn Quốc (53,2%), Indonesia (52,2%) và Việt Nam (50,1%). Cũng theo khảo sát, phụ nữ tại 8 trong số 16 quốc gia, nổi bật là Indonesia (56,9%), Philippines (56,7%) và Myanmar (55,2%) kiểm soát chi tiêu trong gia đình, còn đàn ông có vai trò nhiều hơn khi quyết định các vấn đề về đầu tư và tiết kiệm trong gia đình. Về các quyết định mua sắm quan trọng, đàn ông thường là người giữ vai trò quyết định tại 10 trong số 14 quốc gia, trong khi đó các quyết định tài chính về giáo dục con cái tùy thuộc vào phụ nữ.

Nguồn NLĐO