Thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức bảo hiểm y tế (bài 3)

07/05/2013 09:29 AM


Một cán bộ ngành quân y đã ví: “Các cơ sở quân y tham gia khám, chữa bệnh BHYT như con tàu từ sông đi ra biển lớn”. Chỉ thị 709-CT/QUTW là một cơ hội lớn để nâng tầm các cơ sở quân y.

Bài 3: Cơ hội để nâng tầm các cơ sở quân y

Một cán bộ ngành quân y đã ví: “Các cơ sở quân y tham gia khám, chữa bệnh BHYT như con tàu từ sông đi ra biển lớn”. Chỉ thị 709-CT/QUTW là một cơ hội lớn để nâng tầm các cơ sở quân y.

Chúng tôi đến Bệnh xá 204 (Vùng 1 Hải quân), gặp Thượng úy, bác sĩ Nguyễn Quang Huyến, Bệnh xá trưởng, đang lúi húi bên chiếc máy siêu âm vừa được trang bị. Anh Huyến phấn khởi nói:

- Bệnh xá đang chuẩn bị tham gia nhận khám, chữa bệnh ban đầu cho đối tượng là nhân dân quanh vùng. Từ khi tham gia đề án thí điểm, chỉ huy vùng quan tâm nhiều hơn đến bệnh xá, đầu tư nhiếu thiết bị mới như máy siêu âm, máy sinh hóa nước tiểu, máy điện tim... Đội ngũ thầy thuốc trong trạm cũng được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Một cơ hội mới để bệnh xá lớn mạnh, trưởng thành, chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt hơn đã đến.

Điều mà bác sĩ Huyến tâm sự, cũng là tâm trạng chung của đội ngũ y, bác sĩ công tác tại các cơ sở quân y cấp trung đoàn, sư đoàn. Lâu nay, bác sĩ quân y tốt nghiệp rất “ngại” về công tác ở cơ sở, phần vì ở đây thiếu thiết bị khám, chữa bệnh; tỷ lệ quân số khỏe các đơn vị thường hơn 98% nên bác sĩ không được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh. Lần này, với việc tham gia khám, chữa bệnh BHYT cho cả quân và dân, tình trạng trên chắc chắn sẽ được khắc phục từng bước. Bác sĩ Đặng Thanh Chương, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh, cho biết:

- Tham gia đề án thí điểm, toàn bộ bác sĩ, nhân viên của trạm xá được đi tập huấn và tham quan nghiệp vụ. Khi về, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ sổ sách theo quy định của sổ khám, chữa bệnh BHYT. Anh chị em có bỡ ngỡ khi lần đầu tiếp cận phần mềm HMS, cách làm báo cáo tài chính của BHYT. Một vài nội dung, chúng tôi chưa thạo khi sử dụng công nghệ thông tin nhưng việc tham gia đề án đã đem lại động lực, quyết tâm mới cho các thầy thuốc toàn bệnh xá.


Chăm sóc quân nhân đau ốm tại Bệnh xá Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh

Đại tá Lê Đức Thái, Phó chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sau khi quán triệt Chỉ thị 709-CT/QUTW, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh thấy ngay đây là một cơ hội để phát triển bệnh xá. Đơn vị đã có kế hoạch nâng cấp bệnh xá cả về cơ sở vật chất, trình độ của đội ngũ thầy thuốc. Trước mắt, đơn vị hỗ trợ Bệnh xá trưởng Đặng Thanh Chương đi học thêm về chẩn đoán hình ảnh, cử hai đồng chí y sĩ đi học nâng cao nghiệp vụ, nâng cấp các phòng điều trị để lắp được điều hòa nhiệt độ, mua một số máy xét nghiệm gọn nhẹ.

Thượng tá Trần Xuân Vinh, Chủ nhiệm Quân y Vùng 3 Hải quân cũng cho rằng, theo quy định của Luật BHYT, nếu quỹ BHYT dành cho khám, chữa bệnh có kết dư (cuối năm) thì được để lại 60% ở cơ quan BHXH cấp tỉnh. Số kinh phí này sẽ được cấp cho các bệnh viện, bệnh xá mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế. Do đó, các bệnh xá, bệnh viện quân đội tham gia khám, chữa bệnh BHYT cho các đối tượng mà chú ý sử dụng hợp lý thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, quản lý quỹ BHYT chặt chẽ thì chắc chắn sẽ có một khoản kết dư đáng kể từ quỹ BHYT để cùng với phần ngân sách quốc phòng cấp cho ngành quân y hằng năm mua sắm, nâng cấp chất lượng trang thiết bị y tế.

Hạ sĩ Trương Quang Hóa, chiến sĩ Đoàn tên lửa 680 đang chữa bệnh tại Bệnh xá Vùng 3 Hải quân cho biết:

- Do bị vết thương nhỏ ở chân nên tôi mới vào điều trị ở bệnh xá. Qua quan sát của cá nhân thì thấy các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh xá vui vẻ, phấn khởi hẳn lên khi tham gia đề án. Sắp tới, bệnh xá cũng sẽ khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Không chỉ các thầy thuốc vui mà người dân quanh đây cũng rất mong đợi.

Rõ ràng, tham gia khám, chữa bệnh BHYT không chỉ để các cơ sở quân y chăm sóc sức khỏe bộ đội tốt hơn mà đơn vị có thêm một “nhịp cầu dân vận”. Hơn nữa, khi khám, chữa bệnh cho nhân dân thì các thầy thuốc cũng có thêm thu nhập, một vấn đề rất quan trọng để các thầy thuốc yên tâm làm nhiệm vụ.

Như vậy, việc tham gia khám, chữa bệnh BHYT là “thuận cả đôi đường” cho cơ sở quân y. Còn có điểm nào không thuận? Câu hỏi này, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn. Thiếu tá Nguyễn Văn Long, cán bộ Lữ đoàn 172 Hải quân cho rằng:

- Đáng lo nhất là các cơ sở quân y của ta là trình độ nghiệp vụ, có trường hợp lẽ ra phải chuyển tuyến hoặc chuyển sang bệnh viện dân y để quân nhân được điều trị tốt hơn nhưng cơ sở quân y vẫn cứ giữ lại. Một số quân nhân trong đơn vị tôi khi điều trị tại Bệnh viện Quân y 17 khi xin chuyển tuyến không được đã phải bỏ BHYT, sang chữa dịch vụ ở bệnh viện khác thì mới chữa trị kịp thời.

Tâm tư của Thiếu tá Nguyễn Văn Long cũng là tâm tư của nhiều cán bộ, chiến sĩ khi sử dụng thẻ BHYT. Đây cũng là điều các cơ sở quân y cần chú ý, kiên quyết không vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng đến sức khỏe bộ đội.

Lời kết: Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT là một quyết định đúng đắn, tạo chuyển biến về chất trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội. Những hạn chế, vướng mắc mà chúng tôi đề cập trong vệt bài này, cũng như một số hạn chế, vướng mắc khác mà chúng tôi chưa đề cập, là rất nhỏ và đã được dự báo từ trước khi triển khai đề án. Khắc phục những hạn chế đã nêu, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tham gia thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm sẽ là cơ sở đề thực hiện đề án thành công, đạt được mục đích, yêu cầu mà Thường vụ Quân ủy Trung ương đề ra.

Nguồn Báo QĐND