Đảm bảo quyền lợi cho lao động phi chính thức

06/05/2013 09:19 AM


Là lực lượng có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế đặc biệt góp phần ổn định cán cân cung – cầu trong thị trường lao động, tuy nhiên, những người lao động phi chính phủ lại là đối tượng chịu nhiều "thiệt thòi” nhất vì luôn nằm ngoài vùng "phủ sóng” những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.


Lao động ngành xây dựng, phần lớn không có hợp đồng lao động và họ phải chịu nhiều thiệt thòi

Thiệt thòi đủ đường

Theo thống kê, hiện khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số lao động đang làm việc và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới, thu hút lao động từ khu vực kinh tế chính thức chuyển sang. Tuy nhiên, phần lớn những lao động này đang bị mạng lưới an sinh xã hội bỏ sót. Một điểm dễ dàng nhận thấy, đó là khu vực phi chính thức thì việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường bình quân là 47,3 giờ/tuần. Doanh nghiệp khu vực này có quy mô rất nhỏ hoặc siêu nhỏ (từ 10 lao động trở xuống), không đăng ký kinh doanh, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động… Vì lý do này, những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức này thường phải đối mặt với vòng luẩn quẩn của đói nghèo, hạn chế về tiếp cận kiến thức và khả năng hòa nhập cộng đồng.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thừa nhận, hiện đa phần lao động tự do không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cơ chế cư trú, không được quản lý, nên khi ốm đau và các chế độ khác cũng không được quan tâm như nhà ở, các vấn đề xã hội.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách về bảo hiểm nhằm hướng tới bảo hiểm toàn dân, trong đó nông dân, lao động phi chính thức, người nghèo là đối tượng chính. Song do nhiều nguyên nhân, đến nay số lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm vẫn khá khiêm tốn. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau gần bốn năm thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện, mới có trên 96.000 người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương đương 0,19% tổng số lao động ở khu vực này.

Cần có cơ chế cụ thể

Để rút ngắn khoảng cách giữa lao động phi chính thức và lao động chính thức, ông Phạm Đăng Quyết - Viện Khoa học Thống kê cho rằng, thông tin về thị trường lao động đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định và điều chỉnh các chính sách về lao động việc làm, xây dựng kế hoạch quốc gia về việc làm. Tuy nhiên, để kết nối thông tin thị trường lao động tới khu vực lao động phi chính thức cần phải hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường nhằm trợ giúp các nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách thị trường lao động và xúc tiến việc làm, cũng như cho phép người lao động và người sử dụng lao động hiểu được hoạt động của các thị trường lao động. Hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ giúp kết nối thông tin thị trường lao động cấp trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, cần xác định thể chế sao cho các cuộc điều tra về khu vực kinh tế phi chính thức tích hợp dài lâu vào hệ thống thông tin quốc gia.

Để giải quyết việc làm, tạo công bằng trong xã hội, nhất là đối với lao động thuộc khu vực kinh tế phi chính thức cần tạo chính sách bình đẳng để kéo gần khoảng cách giữa khu vực kinh tế phi chính thức và chính thức. Theo các chuyên gia, xã hội cần phải thừa nhận và bớt kỳ thị đối với người lao động khu vực kinh tế phi chính thức, đồng thời phải kiểm soát và hạn chế tối đa sự nhũng nhiễu đối với họ. Do vậy, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách rất cần tổ chức một cuộc điều tra toàn diện về khu vực kinh tế phi chính thức để có cái nhìn đầy đủ và đây là cách tốt nhất để đề ra những chính sách thích hợp nhằm nâng cao điều kiện sống cho họ. Bên cạnh đó, cần làm sáng tỏ và thông tin về quy định pháp luật, hợp pháp hóa và thừa nhận sự tồn tại của khu vực phi chính thức bằng các chính sách là điều rất cần thiết.

Theo Báo Đại đoàn kết