Bổ sung chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em

02/05/2013 09:16 AM


Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em như chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp chăm sóc thay thế, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ bị tim bẩm sinh... theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày càng được cải thiện. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và 5 tuổi giảm mạnh ở tất cả các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm qua các năm, trung bình mỗi năm giảm 1,8%. Trên 90% trẻ em dưới 1 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vaccine. Tỷ lệ huy động trẻ em từ 3-5 tuổi đi mẫu giáo là 47,59% (năm 2000) tăng lên 70,54% năm 2010. Đời sống văn hoá vui chơi của trẻ em được cải thiện, cả nước có hơn 8.000 điểm vui chơi trẻ em tại xã, phường, 17.000 CLB về quyền trẻ em, tiếng nói của trẻ em dần được lắng nghe, được phản hồi.

Việc triển khai Chỉ thị số 20 có ý nghĩa rất quan trọng và mang đến một nhận thức mới cho toàn xã hội, xác định rõ tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, coi đây là vấn đề có tính chiến lược lâu dài để phát triển nhân lực trong tương lai. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em, chỉ đạo việc thực hiện giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách phúc lợi xã hội cho trẻ em như chính sách trợ cấp xã hội, trợ giúp chăm sóc thay thế, hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ bị tim bẩm sinh, trợ giúp tiếp cận với y tế, giáo dục theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh Chỉ thị 20, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 – 2020 sẽ là một công cụ quản lý nhà nước vĩ mô để hiện thực hoá các quyền trẻ em trong thực tiễn. Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc đánh giá, giám sát thực hiện Chương trình phải gắn chặt với đánh giá, giám sát thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội ngành và địa phương. Vệc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về quyền trẻ em và thực hiện Chương trình cần có sự chia sẻ, cập nhật, phối hợp thông tin đa cấp, đa ngành.

Triển khai thực hiện khuyến nghị của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em

Năm 2012, Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em đã đưa ra 43 khuyến nghị với Chính phủ Việt Nam. Bên cạnh việc công nhận các thành tựu đã đạt được của Việt Nam, các thành viên Ủy ban cũng bày tỏ sự quan ngại về những thách thức Việt Nam phải đối mặt như: Nguồn lực dành cho bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế; tiến độ chỉnh sửa và phê chuẩn các văn bản pháp luật, chính sách về trẻ em còn chậm; tỷ lệ trẻ em chết do tai nạn thương tích và bị suy dinh dưỡng còn cao; còn bất bình đẳng giữa các nhóm trẻ em người Kinh với trẻ em dân tộc thiểu số, giữa nhóm trẻ em bình thường với nhóm trẻ em khuyết tật về cơ hội phát triển và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội.

Việt Nam đang dự kiến thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban Liên Hợp Quốc trong giai đoạn 2013-2020 và đã có khung Kế hoạch bộ, ngành thực hiện khuyến nghị của Ủy ban với 5 nhóm nội dung hoạt động. Cụ thể, sẽ rà soát tổng thể luật pháp về quyền trẻ em, xây dựng lộ trình bổ sung, sửa đổi, xây dựng mới đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Sửa đổi Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, các bộ luật và luật liên quan đến các nguyên tắc thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em và tư pháp người chưa thành niên.

Sửa đổi, bổ sung, đồng bộ hóa các chính sách đối với trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc ít người, trẻ em di cư, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Rà soát tổng thể các nội dung, mục tiêu liên quan đến trẻ em trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia. Đề xuất việc bổ sung, điều chỉnh để thực hiện đồng bộ quyền trẻ em. Xây dựng và thực hiện một số chương trình, đề án quốc gia giải quyết các vấn đề cấp bách và phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời, hướng dẫn và áp dụng từng bước việc xây dựng kế hoạch kinh tế-xã hội địa phương, kế hoạch ngành 5 năm và hằng năm có lồng ghép quyền trẻ em và tham vấn cộng đồng, trẻ em.

Xây dựng các kế hoạch phối hợp giữa các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội về thực hiện quyền trẻ em. Rà soát và lồng ghép các nội dung về trẻ em trong các phong trào xã hội, các cuộc vận động xã hội có quy mô quốc gia và dài hạn. Vận động sự hỗ trợ của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp vào truyền thông, giáo dục lồng ghép quyền trẻ em, bảo vệ chăm sóc trẻ em với quảng bá sản phẩm, dịch vụ thân thiện với gia đình, trẻ em và cộng đồng.

Theo ĐCSVN