Nhiều chuyên ngành đang thiếu hụt bác sĩ

26/04/2013 08:41 AM


Cấu trúc ngành y tế của VN hiện nay đang nhiễu loạn và nó không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới (nền y tế nửa bao cấp, hoạt động trong nền kinh tế thị trường). Bài toán nhân lực - theo đánh giá của các chuyên gia y tế - là bài toán vĩ mô mà ngành y tế phải đối mặt. Vậy, phải gỡ "nút thắt" này thế nào để mở thông cho những "nút thắt" phía sau nó?


Kiểm soát chặt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, nhân lực y tế là nguồn lực quan trọng nhất quyết định phạm vi cũng như chất lượng dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng phải thừa nhận, cần phải xem xét hết sức nghiêm túc về chất lượng đào tạo thầy thuốc, do có thực tế hiện nay bác sĩ ra trường chưa làm việc độc lập được ngay. Tại các bệnh viện lớn, bác sĩ ra trường 5- 6 năm vẫn còn phải kèm cặp thêm về chuyên môn.

Ông Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, mô tả một thực tế ngành y là trong khi nhiều cán bộ, viên chức ở các cơ sở làm việc quá tải thì một lượng lớn sinh viên Trường Y, Dược ra trường không tìm được việc làm phù hợp. Điều đó đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo hiện nay.

Ở các nước khác, ở bậc ĐH, họ khống chế đầu ra theo hình chóp để sàng lọc được một đội ngũ nhân lực y tế đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đào tạo y khoa được xác định là đào tạo "đặc biệt" song rất khó kiểm soát chất lượng sinh viên tốt nghiệp các trường y. Thậm chí trong một vài năm gần đây, nhận thấy nhu cầu xã hội đang cao, nhiều trường ĐH, CĐ cũng mở mã ngành đào tạo y khoa và lấy điểm chuẩn đầu vào cũng chỉ tầm 18-20 điểm, thậm chí có nơi lấy bằng điểm sàn, làm dấy lên lo ngại về chất lượng bác sỹ sau này.

Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết không phải vì thiếu mà tăng số lượng đào tạo lên một cách dồn dập, bởi ngành y không được phép đào tạo cho "ra lò" những sản phẩm không đạt yêu cầu. Chương trình đào tạo cần xem xét lại. Có thể trước đây cách dạy và học như thế này là phù hợp nhưng bây giờ có các công nghệ mới, bệnh tật mới thì cần sửa chữa hay thay đổi, bổ sung như thế nào...

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Xuân Phú cho biết cần xác định rõ chương trình đào tạo cần dựa vào cái gì? Mô hình bệnh tật ở Việt Nam đang thay đổi nhanh, đòi hỏi cấp thiết sự thay đổi ngay từ trong trường y để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài vấn đề chương trình đào tạo, việc tuyển sinh các chuyên ngành cụ thể với số lượng ra sao cũng đang được đặt ra. Trên thực tế, nhiều chuyên ngành như lao, phong, tâm thần, giải phẫu bệnh... đang đứng trước nguy cơ "tuyệt chủng" bác sĩ.

Nên cải tổ lại cấu trúc ngành y

Có đủ bác sỹ, cơ cấu hợp lý rồi nhưng phân bố thế nào để đội ngũ ấy đảm đương được công việc đồng đều trong cả hệ thống lại không phải chuyện đơn giản. Câu chuyện muôn thuở từ trước đến nay là bác sỹ tuyến dưới luôn có xu hướng đổ về tuyến trên để tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. Đó là nhu cầu chính đáng của mỗi con người. Vậy phải sử dụng những công cụ nào để giải quyết tình trạng này? Theo ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và Phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thì cấu trúc ngành y tế của ta hiện nay đang nhiễu loạn và nó không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới (nền y tế nửa bao cấp, hoạt động trong nền kinh tế thị trường). Từ đây đã khiến một loạt vấn đề nảy sinh, trong đó những bất cập về nhân lực (như đã nêu ở những bài trước) là một "điểm đen" khiến hệ thống y tế vận hành kém hiệu quả. Điều "không còn phù hợp" đầu tiên là hệ thống y tế công lập phân chia theo các tuyến và đầu tư kinh phí theo các tuyến. Dẫn tới hệ quả là bệnh viện tuyến nào chỉ được giới hạn làm các chỉ tiêu kỹ thuật tương ứng với tuyến đó. Khi đó, nó vừa khiến cho tuyến trên luôn luôn được phát triển (và kìm hãm tuyến dưới), nó vừa tạo cảm giác cho người dân là chỉ có tuyến trên mới thực hiện được các kỹ thuật cao. Đồng thời lý giải nguyên nhân vì sao bác sỹ chỉ thích về tuyến trên chứ không thích về tuyến dưới. "Tuyến trên vừa có cơ hội nâng cao tay nghề và thu nhập, có cơ hội học tập, phát triển. Một anh bác sỹ cùng tốt nghiệp ĐH Y nhưng về quê làm việc, sau nhiều năm, anh bỗng thành "bác sỹ làng" chỉ chữa hắt hơi xổ mũi. Còn bạn anh ở lại thành phố, chưa nói tới vấn đề vật chất, chỉ nói ở góc độ nghề nghiệp thì họ đã có thể trở thành các bác sỹ giỏi, nổi tiếng. Thử hỏi họ sẽ lựa chọn như thế nào? Đây là những nhu cầu chính đáng của mỗi người thầy thuốc" - ông Trần Tuấn đặt câu hỏi.

Theo ông, đây cũng chính là lý do chính khiến các bác sỹ không muốn về y tế cơ sở, đẩy vấn đề nhân lực ngày càng chìm sâu vào bất cập. Do đó, cần tránh tạo ra cấu trúc nền y tế như hiện nay (tránh phân chia theo tuyến, đầu tư theo tuyến và chỉ giới hạn khám chữa bệnh trong phạm vi được cho phép). Thay vào đó, cần xã hội hóa y tế triệt để, phần nào khó khăn không xã hội hóa được (chủ yếu là y tế dự phòng và y tế cơ sở) thì Nhà nước sẽ lo và có chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực, tránh tình trạng tất cả đều đổ xô vào những chuyên khoa dễ kiếm tiền và đổ xô từ tuyến dưới lên tuyến trên như hiện nay. Ngoài ra, bên cạnh việc chất lượng nguồn nhân lực "có vấn đề", đội ngũ lãnh đạo nguồn nhân lực đó cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Hầu hết những người làm quản lý hiện chỉ chăm chăm vận hành nguồn lực mình đang có sẵn để giải quyết những vấn đề phát sinh trong phạm vi của mình mà không nhận ra rằng họ chỉ là "con ốc" trong cả một hệ thống. Do đó, họ không có cái nhìn bao quát, hợp tác cùng những lĩnh vực khác để cùng giải quyết vấn đề.

Những giải pháp tình thế

Bộ Y tế đang triển khai một loạt các đề án để giải quyết những bất cập liên quan đến vấn đề quá tải và nguồn nhân lực hiện nay. Như đề án bệnh viện vệ tinh, đề án luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới và mới nhất là đề án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo". Ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết điểm thu hút của đề án này là các sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi đăng ký về công tác tại huyện nghèo sẽ được đào tạo miễn phí trong 20 tháng và được cấp chứng chỉ tùy theo khóa đào tạo. Đặc biệt, trước đó họ sẽ được một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tuyển dụng thành cán bộ chính thức.

Ngoài hai ưu đãi đặc biệt (như đã nêu) thì các bác sỹ trẻ tham gia Đề án sẽ được hưởng những chế độ như áp dụng tính lương bậc 2 ngay (sau khi được cấp bằng chuyên khoa I), được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở công vụ, được ưu tiên trong việc xem xét cử đi học hoặc tham dự các kỳ tuyển sinh cao hơn, được tôn vinh. Nếu có nhu cầu ở lại địa phương thì được ưu tiên trong việc tiếp nhận, đề bạt, kết nạp Đảng, tạo điều kiện về đất ở... Nếu tính lương bậc 2, cộng các chế độ chính sách đang áp dụng tại huyện nghèo, chế độ luân phiên cán bộ chuyên môn mà Thủ tướng mới ký ngày 20/2 và chế độ hỗ trợ theo Dự án thì mỗi bác sĩ trẻ sẽ có thu nhập từ 8- 10 triệu đồng/ tháng. Đây là mức lương có thể giúp cán bộ trẻ ổn định cuộc sống trong thời gian cống hiến sức trẻ cho các địa phương nghèo. Được các địa phương hỗ trợ một khoản kinh phí. Đặc biệt, các bác sỹ trẻ về tình nguyện về công tác tại huyện nghèo sẽ được giãn khoản nợ đã vay ngân hàng trong quá trình học trước đây. Đánh giá đề án này "chỉ có tính tình thế nhưng cần thiết" trong bối cảnh hiện nay của ngành y tế, Bộ Y tế cho biết về lâu dài vẫn cần đào tạo đầy đủ bác sỹ và có cơ chế chính sách để phân bổ nguồn lực đó một cách hợp lý, tạo sự đồng đều trong toàn hệ thống, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Đề án "Quy hoạch phát triển nhân lực từ 2011 - 2020" do Bộ Y tế xây dựng đặt mục tiêu đáp ứng đội ngũ nhân lực y tế có chất lượng, cơ cấu và phân bố hợp lý để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Theo đó, ngành Y tế phấn đấu đến năm 2020, cứ 10.000 dân sẽ có 52 nhân lực y tế (tất cả các chuyên ngành), 10 bác sĩ, 12 điều dưỡng. Đề án cũng đã đề xuất các giải pháp phát triển nhân lực y tế như sớm ban hành bổ sung các loại phụ cấp ưu đãi mà cán bộ y tế hiện chưa được hưởng cùng với việc nâng định mức ưu đãi (tối thiểu là 30% và mức tối đa là 70%). Hiện nguồn nhân lực y tế nước ta mới đạt tỷ lệ 40,5 cán bộ y tế/10.000 dân, trong đó có gần 7 bác sĩ/10.000 dân

Theo DTO