Bệnh nhân vượt tuyến vì thiếu niềm tin

26/04/2013 04:09 AM


Vốn sẵn tâm lý sính tuyến trên khi điều kiện tuyến dưới quá sơ sài, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) lại "tạo điều kiện” cho bệnh nhân (BN) vượt tuyến khi đồng chi trả 70%, 50%, 30% chi phí… Những lý do này làm bài toán giảm tải bệnh viện (BV) càng nan giải. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình nhiều nội dung liên quan tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức chiều 17 - 4.


Bệnh viện quá tải vì bệnh nhân vượt tuyến

60% vượt tuyến không cần thiết

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Ý thức được vấn đề vượt tuyến là nguyên nhân số một gây quá tải BV tuyến trên, Bộ Y tế có nhiều giải pháp giữ bệnh nhân ở tuyến dưới. Tuy nhiên số vượt tuyến vẫn không giảm. Năm 2010 trên 3 triệu người, năm 2011 con số vượt tuyến tới 9,1 triệu, năm 2012 đã lên 9,95 triệu BN.

Để chặn tình trạng tiếp tục gây áp lực cho tuyến trên, Bộ Y tế sẽ ra những quy định rõ hơn chống chuyển tuyến. Nếu người bệnh cố tình vượt tuyến trong khi tuyến dưới có thể "thanh toán” dứt bệnh cho BN thì BN sẽ phải đồng chi trả trên 60%. Bộ cũng sẽ nghiêm túc xem xét lại chất lượng của các cơ sở tuyến dưới. Cụ thể, sẽ tăng cường trang thiết bị cho tuyến này, đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn… Tuần tới, Bộ sẽ ban hành thông tư tăng cường chất lượng công tác khám chữa bệnh (KCB), quy định cụ thể quy trình khám từng loại bệnh để giảm tối đa thời gian cho người dân khám BHYT.

Không đồng tình với "một số chuyển biến” vừa được đề cập khi vượt tuyến có năm tăng 300% so cùng kỳ năm trước, ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: "nói là đưa ra nhiều giải pháp để giảm tình trạng vượt tuyến nhưng trái tuyến tăng 300%”, Bộ Y tế giải thích ra sao?

ĐB tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu hỏi: "vậy BN vượt tuyến là do Luật bất cập hay do khâu tổ chức thực hiện”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi yêu cầu Bộ giải trình BN vượt tuyến "do tuyến trên dễ dãi KCB tất cả các loại bệnh hay chỉ KCB khi tuyến dưới không chữa được”? Chất lượng dịch vụ tuyến trên có cao hơn tuyến dưới. Nếu chất lượng KCB tuyến trên vượt quá xa tuyến dưới thì BN chuyển tuyến là sự thật hiển nhiên - ông Lợi bình luận.

Theo Bộ trưởng Tiến, theo khảo sát có tới 60% BN vượt tuyến là không cần thiết. Và đúng là có tình trạng vượt tuyến dù BV tuyến dưới có thể KCB - bà Tiến thừa nhận.

Vượt tuyến sẽ tự chi trả?

BN vượt tuyến ngày càng tăng, nếu không sửa Luật, BN sẽ vẫn lên tuyến trên trong khi BV thì muốn thu hút BN còn BN muốn vượt tuyến vì mất niềm tin vào tuyến dưới. Vậy Bộ Y tế đã có giải pháp căn cơ nào để chặn tình trạng này? - ĐB tỉnh Hà Tĩnh Trần Ngọc Tăng đặt câu hỏi. Cứ kêu gọi BN đừng vượt tuyến trong khi chất lượng KCB ở tuyến dưới có rất nhiều vấn đề, nhất là tuyến xã, vậy "bắt” BN ở tuyến dưới để sống chung với bệnh, Bộ Y tế đã tìm ra giải pháp đầu tư cho các cơ sở KCB cấp xã hay chưa - ĐB tỉnh Bình Thuận chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Tiến cho rằng đúng trong giai đoạn này, trạm y tế xã chưa có nguồn kinh phí nào tu bổ nên chất lượng còn kém. Tốc độ BN trái tuyến tăng cao vì BN mất niềm tin vào tuyến dưới nên khó giữ họ được. Hiện Bộ Y tế đã bắt mạch được "căn bệnh” vượt tuyến. "Đơn thuốc” chặn là phân tuyến kỹ thuật cho các BV. Chẳng hạn, nếu BV K đã chuyển giao công nghệ xạ trị cho BV tuyến huyện, tỉnh của tỉnh Phú Thọ thì Phú Thọ không được chuyển BN lên tuyến trên, đồng thời các BV Bạch Mai, K sẽ không được phép nhận các BN này. Nếu thanh kiểm tra vẫn có BN vượt tuyến, sẽ không ký hợp đồng thanh toán bảo hiểm với các đơn vị này. "Về tăng cường năng lực cho tuyến dưới, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ trang thiết bị cho tuyến dưới, tăng cường nhân lực thông qua các đề án luân chuyển cán bộ, tăng cường bác sỹ giỏi mới ra trường về vùng khó… Hy vọng với những giải pháp đồng bộ như vậy, sẽ giảm bớt áp lực cho BV tuyến trên” - bà Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: Bộ đang tính toán ban hành "giải pháp mạnh”, như không thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho BN tự ý vượt tuyến. Nhưng không chắc đề xuất này nhận được sự đồng tình của Quốc hội vì trước đây khi xây dựng Luật BHYT, Bộ Y tế đã đề xuất và Quốc hội đã bác vì cho rằng như vậy không đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Nguồn Đại Đoàn Kết