Tai nạn lao động diễn biến ngày càng phức tạp

22/04/2013 09:06 AM


(chinhphu.vn) - Năm 2012, riêng ngành Công Thương xảy ra 43 vụ tai nạn lao động làm 48 người thiệt mạng, tăng 55,6% số vụ và 62,1% số người chết so với năm 2011.


Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương, ông Đỗ Quang Vinh, thừa nhận trong năm 2012 tai nạn lao động của ngành Công Thương diễn biến hết sức phức tạp. Các đơn vị để xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Riêng trong năm 2012 số vụ tai nạn lao động chết người của ngành Than tăng 76,5%, số người chết tăng 78,9%. Có tới 35% nguyên nhân tai nạn đến từ chính người sử dụng lao động và người lao động.

Đồng tình với nhận định trên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) Vũ Thành Lâm cho biết, năm 2012 Vinacomin xảy ra 416 vụ tai nạn lao động, làm 426 người bị thương, 34 người thiệt mạng. Nếu so với các năm gần đây, con số này ở mức trung bình, nhưng nếu so với năm 2011 (năm có số người  chết cũng như số vụ xảy ra giảm sâu nhất trong 8 năm gần đây) thì 2012 là năm có sự gia tăng đột biến về số vụ cũng như số người chết. Mặc dù đã đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động khá lớn, gần 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng tai nạn lao động vẫn luôn là câu chuyện đầy bức xúc của Vinacomin. Có tới 45% cán bộ trực tiếp vi phạm quy định, trong khi theo quy định doanh nghiệp không có chế tài xử phạt, chỉ có các biện pháp giáo dục nên sự răn đe hiệu quả không cao. Thực tế trong năm 2012 Vinacomin đã phải xử lý 277 trường hợp vi phạm trong đó có 4 Giám đốc và 10 Phó Giám đốc.

Công tác triển khai thực hiện việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn, thực hiện công việc đánh giá rủi ro và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp theo quy định tại Thông tư 43/2010/TT-BCT còn nhiều tồn tại. Công việc này mới chủ yếu thực hiện tại các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và bước đầu thực hiện tại Tổng công ty Thuốc  lá Việt Nam. Còn lại các đơn vị khác chưa thực hiện hoặc đang trong giai đoạn nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề còn chồng chéo, chưa phân định rõ ràng, cụ thể giữa các Bộ, ngành trong việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ cần sớm được các cơ quan tập trung giải quyết.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, năm 2013 ngành Công Thương xác định trọng tâm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các sự cố cháy nổ so với năm 2012. Theo đó, Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, tổ chức kiểm tra đột xuất trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp tại các điểm nóng. Đồng thời, hướng dẫn, các doanh nghiệp của ngành củng cố tổ chức bộ máy làm công tác an toàn, rà soát, bổ sung hoàn thiện  các quy trình sản xuất, nội quy an toàn. Ngoài ra Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiến nghị  đề xuất, bổ sung, sửa đổi  hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp công nghệ sản xuất cũng như phù hợp thông lệ quốc tế.