Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 – 2012: Công bằng dọc và ngang trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

04/04/2013 09:11 AM


Trao đổi với PV Báo ĐBND, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, BHYT vẫn chưa thực sự thu hút người dân tham gia. Ở đây có phần trách nhiệm thuộc về quản lý Nhà nước. Chính quyền địa phương phải làm cho người dân hiểu rõ lợi ích của việc tham gia BHYT, tính ưu việt của chính sách bảo hiểm ngắn hạn, theo nguyên tắc chia sẻ của chế độ BHYT. Đây cũng là mấu chốt để tháo dỡ boong-ke trong phát triển BHYT tự nguyện nhằm hiện thực hóa mục tiêu bao phủ toàn dân về BHYT. Song song với đó, cần từng bước thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công bằng phải được thực hiện theo cả chiều dọc và chiều ngang: chiều ngang là bảo đảm chăm sóc sức khỏe tối thiểu như nhau cho mọi người dân; chiều dọc là chăm sóc sức khỏe cho người có nhu cầu cao hơn tùy theo mức đóng của họ.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

- Thưa Phó chủ nhiệm, BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội có tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đoàn giám sát của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009 – 2012 vừa làm việc tại Nam Định và Nghệ An. Xin Phó chủ nhiệm chia sẻ những nhận định về chính sách, pháp luật về BHYT hiện nay?

Luật BHYT ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối của Đảng, cũng như đã đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của người dân trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Luật có hiệu lực thi hành từ 1.7.2009, sau 3 năm triển khai thực hiện, nhiều chính sách mới được ghi nhận trong Luật như chính sách đồng chi trả, mức hỗ trợ cho các đối tượng… đã từng bước đi vào cuộc sống và tạo nên những thay đổi quan trọng trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Bản thân người thụ hưởng chính sách là người dân cũng cho rằng, Luật BHYT đã thể hiện tính chia sẻ, tính cộng đồng, sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa người có điều kiện và người không có điều kiện. Nói cách khác là người đang mạnh khỏe, người có điều kiện, tham gia hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do chính sách BHYT (BHYT) còn mới, ra đời trong điều kiện đất nước ta đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển; nhu cầu cuộc sống, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng; trong khi khả năng ngân sách thấp. Hiện nay, tổng nguồn thu Quỹ BHYT chủ yếu từ ngân sách nhà nước (khoảng từ 60 – 70%), người dân tham gia (khoảng 30 – 40%), đang là gánh nặng quá lớn từ ngân sách nhà nước. Xét về điều kiện kinh tế, nước ta đang trong thời kỳ bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Nội tại nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, giải thể, dẫn đến tình trạng người lao động thiếu việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp làm ảnh hưởng đến việc tham gia BHYT; đặc biệt đối tượng thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện chưa thiết tha với chính sách này, do đó tỷ lệ tham gia còn khá thấp, toàn quốc chỉ chiếm khoảng 24%, có tỉnh chỉ 6-7%; riêng đối với hộ cận nghèo, mặc dù Nhà nước hỗ trợ đến 70% kinh phí mua BHYT nhưng cả nước chỉ có 19% số người tham gia; đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT vẫn còn thấp toàn quốc hơn 80%, Nam Định mới đạt 30,53%, Nghệ An 75%, trong khi kể từ 1.1.2010, đối tượng này cũng thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc.

- Bên cạnh những nguyên nhân khách quan khiến tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp, qua giám sát tại hai tỉnh Nam Định và Nghệ An, thực chất BHYT cũng chưa thu hút được người dân tham gia, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Thành tựu là cơ bản, nhưng Luật BHYT cũng đang bộc lộ những bất cập trong triển khai thực hiện, khiến người dân chưa mặn mà tham gia BHYT.

Thứ nhất là do, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của các cơ quan, chính quyền các cấp còn hạn chế, hình thức, mới quan tâm chiều rộng chưa chưa chú ý chiều sâu. Mục đích của việc tuyên truyền được đặt ra là người dân muốn tham gia BHYT phải hiểu được chính sách BHYT, khi tham gia họ được hưởng lợi gì từ chính sách; lợi ích lâu dài của chính sách tác động đến đời sống người dân như thế nào, thì công tác tuyên truyền chưa lý giải được mục tiêu này. Đây là hạn chế lớn nhất trong thực tiễn triển khai thực hiện BHYT.

Thứ hai là, sự phối kết hợp giữa các ngành, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất. Quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, yếu kém; phân cấp quản lý nhà nước không rõ ràng. Việc nắm đối tượng về số lượng, thiết lập danh sách để cấp thẻ BHYT chậm; thậm chí việc cấp thẻ còn trùng lặp, sai sót gây khó khăn, bức xúc cho người dân.

Công tác tuyên truyền và quản lý nhà nước không đồng bộ đã dẫn đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chưa hiệu quả, được thể hiện ở tỷ lệ tham gia thấp tại Nam Định bảo hiểm tự nguyện chỉ đạt 7%, dẫn đến độ bao phủ BHYT toàn dân mới đạt 43%; tại Nghệ An trong khi độ bao phủ BHYT toàn dân đạt tới 72% nhưng bảo hiểm tự nguyện chỉ đạt 3%. Như vậy là ở Nam Định và Nghệ An, con số 57% và 28% chưa tham gia BHYT đang là boong-ke đầy thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước. Vấn đề là phải đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả tổ chức cung ứng dịch vụ như thế nào để thu hút được sự tham gia có trách nhiệm của người dân, chứ không để tồn tại mãi tình trạng mắc bệnh, nhập viện rồi mới mua bảo hiểm? Câu hỏi này vẫn còn để ngỏ với chính quyền địa phương ở Nam Định và Nghệ An. Mặt khác, chức năng quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 8, Luật BHYT đã nêu rõ, UBND các cấp phải bảo đảm kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ theo quy định của luật, song ở Nam Định, ngân sách nhà nước trả cho đối tượng được hỗ trợ BHYT (tính đến 31.12.2012) còn nợ đọng  17,4 tỷ/ tổng số nợ toàn tỉnh 21,8 tỷ, con số này ở Nghệ An là 25,188 tỷ đồng.

Thứ ba, xét ở nhóm đối tượng tham gia BHYT, doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT trên cả nước đạt 50%, điều đó có nghĩa cả nước còn 50% đối tượng người lao động thuộc diện phải tham gia BHYT bắt buộc chưa tham gia BHYT. Ở khu vực nông nghiệp và khu vực phi chính thức, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tự nguyện thấp. Một vấn đề nữa là Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ 70% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo, song số hộ cận nghèo tham gia ít. Thống kê bình quân cả nước chỉ có 19% hộ cận nghèo tham gia BHYT. Ở Nghệ An, Nam Định, con số này lần lượt là 44,51% và 1,55% (Nghệ An có tỷ lệ cao là do có sự hỗ trợ của các dự án). Đối tượng tự nguyện không nhận thấy BHYT là hấp dẫn nên chỉ khi nào bệnh tật nặng, người dân mới mua BHYT để đối phó với gánh nặng viện phí. Mua ít, mua ngắn, mà lại hưởng dài là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng mất cân bằng quỹ BHYT. Đối với người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình, theo quy định của Nhà nước được hỗ trợ 30% để mua BHYT, đến nay Chính phủ chưa có tiêu chí xác định thế nào là hộ có mức sống trung bình. Do vậy, đối tượng này cũng chưa tham gia BHYT. Liên quan đến mức đồng chi trả (từ 5% - 20%), người nghèo phải đồng chi trả BHYT 5%, nhưng thân nhân của người có công lại đồng chi trả ở mức 20%, dẫn đến sự suy bì, người có công lại phải cùng chi trả cao hơn là người nghèo.

Thứ tư, thủ tục hành chính vẫn là vấn đề còn nhiều bức xúc, đặc biệt là trong việc tạm ứng kinh phí, thanh toán, quyết toán của bảo hiểm xã hội cho cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT. Nhìn chung, lực lượng giám định viên của ngành bảo hiểm xã hội ở các bệnh viện còn mỏng so với nhu cầu giám định các đơn thuốc quyết toán cho người bệnh chậm, gây bức xúc cho người bệnh. Liên quan đến quỹ kết dư BHYT, khoản 2, Điều 35 của Luật BHYT quy định, trường hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu BHYT lớn hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì được sử dụng một phần kết dư để phục vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại địa phương, nhưng đến nay, phần kết dư này chưa được xử lý.

- Ở phương diện cơ chế, chính sách về BHYT, liệu có tồn tại những khó khăn, vướng mắc gì không, thưa Phó chủ nhiệm?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Về mặt chính sách, Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ chính sách BHYT cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, có một bộ phận người Kinh lên sống vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa lâu năm (từ 30 – 40 năm), lại không được hưởng chính sách trợ cấp từ BHYT, đây là bất lợi, cần nghiên cứu để điều chỉnh.

Về mức đóng và mức hưởng BHYT còn khác nhau. Mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm tiền lương, tiền công tức là có định lượng về giới hạn. Mức hưởng lại theo mức độ bệnh tật, theo nhóm đối tượng – tức là không định lượng theo giới hạn tối đa, mà phụ thuộc vào tính chất của bệnh tật. Trong khi đó, Điều 6, Luật BHYT quy định trách nhiệm của Bộ Y tế là phải xây dựng các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ, nhưng Bộ chưa có giải pháp bền vững để xác định mối quan hệ này.

Liên quan đến Điều 36, Luật BHYT quy định, người dân có quyền được tổ chức BHYT, cơ sở khám chữa bệnh BHYT và các cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT. Song thực tế, vấn đề này không được thực hiện, nghĩa là người dân đi khám bệnh, chữa bệnh cũng không được công khai, minh bạch, không biết được chi tiết các khoản chi như thế nào, do vậy mức độ giám sát của người dân đối với bệnh viện không có.

Đối với cơ chế, chính sách về giá thuốc, ngay tại các địa bàn của một địa phương, một tỉnh cũng không thống nhất. Bên cạnh đó, cơ sở khoa học để xác định mức thực hiện dịch vụ và chi trả cho người bệnh chưa được ban hành, khiến việc thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch trong khám bệnh chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Đây là những vướng mắc trong chính sách, mà trong quá trình giám sát chúng ta thấy cần phải có tổng hợp, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.

- Theo quan điểm của Phó chủ nhiệm, để BHYT thực sự thu hút người dân, thời gian tới cần sửa đổi những vướng mắc trong triển khai thực hiện như thế nào?

PCN Bùi Sỹ Lợi: Muốn khắc phục những vướng mắc trong triển khai thực hiện, phải sửa đổi cơ chế pháp luật, cơ chế chính sách. Cụ thể, cần có cơ chế giám sát, kiểm tra để đối tượng tham gia BHYT bắt buộc phải tham gia. Đối tượng tự nguyện còn khó khăn, Nhà nước vẫn phải có cơ chế hỗ trợ, như hỗ trợ người cận nghèo, hộ nông dân, ngư nghiệp, diêm nghiệp 30%... Ngoài ra, những đối tượng đặc biệt, Nhà nước vẫn tiếp tục chăm lo, khuyến khích người dân tham gia BHYT. Quan điểm là, ban đầu hỗ trợ ở mức cao, khi đời sống người dân khá hơn, thì giảm dần sự phụ thuộc của người dân vào ngân sách nhà nước.

Tiếp tục khắc phục vướng mắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, để mở rộng đối tượng tham gia BHYT, giúp người dân nhận thấy tham gia BHYT là lợi ích trước mắt củng như lâu dài. Song song với đó, cần thực hiện cân bằng Quỹ BHYT bằng cách tính đúng, tính đủ giá viện phí; nâng mức đóng để phù hợp với mức hưởng. Từng bước thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, đó củng là một trong năm quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và là mục tiêu của ngành Y tế; tuy nhiên, công bằng phải được thực hiện theo cả chiều dọc và chiều ngang; chiều ngang là bảo đảm chăm sóc sức khỏe tối thiểu như nhau cho mọi người dân; chiều dọc là chăm sóc sức khỏe cho người có nhu cầu cao hơn tùy theo mức đóng của họ.

Đối với các cơ chế, thủ tục hành chính, các vấn đề thuộc về pháp luật cần sớm xem xét chỉnh sửa, để giúp quá trình triển khai thực hiện ở địa phương được thuận lợi. Trong đó, lưu ý, cần sớm cải cách được thủ tục hành chính, các điều khoản quy định về cơ chế chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh nhân dân phải là thủ tục đơn giản, dễ thực hiện, tạo sức hấp dẫn của người dân tham gia BHYT. Nâng cao hơn nữa y đức, tinh thần trách nhiệm, chất lượng khám chữa bệnh của y, bác sỹ. Cán bộ ngành y tế phải đóng vai trò quyết định đối với sự sống còn của con người, khi chăm sóc sức khỏe người dân cần coi đó là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp - Lương y phải như từ mẫu. Muốn làm được vậy, Nhà nước cũng phải có chính sách đãi ngộ hợp lý cho y, bác sỹ; làm sao cho tiền lương, thu nhập của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm để họ tận tâm với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Xin cám ơn sự chia sẻ của Phó chủ nhiệm!

Theo ĐBND