Bỏ mặc bệnh nhân vì sợ “vỡ quỹ” BHYT

27/03/2013 09:37 AM


Chuyện "cân đong, đo đếm” hiện nay giữa bệnh viện và BHYT đang "gây khó” cho người bệnh. Hậu quả là, nhiều người bệnh nặng bị giữ lại để điều trị, hoặc được "kính chuyển” đến điều trị ở các cơ sở tuyến trên khi tính mạng đã bị đe doạ, thậm chí tử vong.


Giữ bệnh nhân lại để an toàn hơn khi thanh, quyết toán

Đã 2 Tết trôi qua mà gia đình chị Hằng ở E5 Thái Thịnh (Hà Nội) chưa hết buồn vì cái chết tức tưởi của mẹ chị - bà N.T.T (63 tuổi, ở Chợ Hàng, Hải Phòng). Mùng 3 Tết năm đó, khi mọi người đang vui xuân thì bà T trở bệnh. Toàn thân bà nóng rực, co cứng vì đau đớn, rồi mê đi. Gia đình đưa bà vào cấp cứu tại một BV lớn ở Hải Phòng. Hai ngày nằm viện, các BS không tìm ra bệnh và bảo: "để lại theo dõi”. Tuy nhiên dù đã truyền dịch, uống thuốc mà bà T vẫn sốt cao, mê sảng. Gia đình đề nghị BS cho chuyển lên Trung tâm Miễn dịch Lâm sàng, BV Bạch Mai vì bà T có tiền sử bệnh xơ cứng bì, hằng tháng vẫn theo dõi và điều trị tại đây. BS vẫn từ chối. Đêm sau đó bà T lên cơn khó thở, huyết áp tụt.... BS lắc đầu và lạnh lùng bảo: "lo hậu sự đi”.

BV Nội tiết Trung ương cũng đang phải đối mặt với nhiều BN "gần đất xa trời” chỉ vì họ được chuyển tuyến điều trị quá muộn. Không ít người bị nhiễm độc giáp, điều trị tại tuyến cơ sở không đúng cách, đến khi BN hôn mê BS mới "tá hỏa” vội "kính chuyển” về BV Nội tiết Trung ương thì thời gian sống chỉ còn tính bằng giờ.

Tìm hiểu lý do BN không được chuyển viện kịp thời, chúng tôi được biết, hiện nay do mức khoán BHYT cho đầu thẻ, nên BV tuyến dưới có tâm lý giữ BN để điều trị. Hơn nữa, nhiều BV khi thanh, quyết toán mới biết những chi phí cho người bệnh chuyển tuyến vượt quá cao, trong khi số tiền mà BHYT thanh toán chỉ rất khiêm tốn. Khi đó BV lại phải làm giấy xin hoặc "dài cổ” chờ BHYT cấp bù. Vì thế, các BV đã rỉ tai nhau giữ BN lại để an toàn hơn khi thanh, quyết toán.

Về phía các BV, một BS tại BV Bạch Mai tâm sự: Hầu hết BN về BV tuyến trên đã rất nặng, trong đó có lý do tuyến dưới giữ lại điều trị, đến khi không đỡ mới chuyển đi nên chi phí điều trị cao vì thuốc, hóa chất phải dùng liều cao, loại đặc hiệu mới khỏi bệnh. Nếu chỉ để giữ quỹ không "thủng” mà chữa bệnh nửa vời thì chỉ thêm khổ cho BN. Hơn nữa, cứu những BN này quả là bài toán khó đối với các BS, bởi hầu hết đều quá nặng, mắc một lúc nhiều bệnh, đòi hỏi phải tổng lực về chuyên môn, thuốc và thiết bị đắt tiền.

Không chuyển bệnh nhân đi là do muốn sử dụng tiền của BHYT

Đây là khẳng định của ông Nghiêm Trần Dũng - Vụ phó Vụ BHYT, Bộ Y tế. Ông cho biết: BHXH luôn chi trả theo thực tế, trường hợp vượt quá nguồn quỹ KCB được sử dụng, cơ sở KCB sẽ được BHXH cấp bù. Theo ông Dũng, BHYT không hạn chế việc chuyển tuyến điều trị cho BN. Để hạn chế quá tải cho tuyến trên, BV giữ những BN có thể điều trị được tại cơ sở. Chỉ khi nào vượt khả năng chuyên môn thì mới chuyển BN lên tuyến trên. Việc chuyển BN là do BS điều trị đề nghị và lãnh đạo BV quyết định chứ BHYT không can thiệp.

BHYT không "ra lộc” cho BV chất lượng kém

Tinh thần này được thể hiện trong Dự thảo tiêu chí chất lượng BV Việt Nam mà ngành y tế vừa xây dựng và sẽ triển khai trong năm 2013. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ các tiêu chí cụ thể để các BV tập trung phấn đấu: sự hài lòng của BN, thời gian nằm viện trung bình, sự cố ngoài y khoa nghiêm trọng, tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ... Đồng thời Bộ cũng đề nghị Chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các BV tuyến trên, tiếp tục thực hiện đề án giảm tải BV, xây dựng mạng lưới BS gia đình ở thành phố lớn và và xây dựng hệ thống BV. Được biết thời gian tới, ngành y tế sẽ xây dựng các đơn vị kiểm định độc lập để đánh giá chất lượng các BV: chất lượng kém thì BHYT sẽ không ký hợp đồng hoặc không thanh toán 100% chi phí.

Nguồn Đại Đoàn Kết