Mệt mỏi vì những quy định cứng nhắc của BHYT

09/07/2013 08:33 AM


Một nghịch lý vẫn đang tồn tại, trong khi quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được các cơ quan chức năng cảnh báo về nguy cơ thường trực "vỡ quỹ” vì bội chi, thì người bệnh sử dụng thẻ BHYT vẫn không ngừng than phiền về chất lượng khám chữa bệnh. Mệt mỏi khi mỗi lần đi khám bệnh là một lần "hành xác”, sự "lạnh lùng” của nhân viên y tế, đến nỗi ám ảnh về các toa thuốc chữa bệnh theo BHYT quá "bèo bọt”…


Nhiều bệnh nhân không hài lòng về chất lượng khám BHYT

Lý do luôn được ngành y tế đưa ra là quá tải do thiếu về cơ sở vật chất, nhân lực, và gốc rễ của mọi vấn đề là thiếu tiền.

Cơ sở y tế phục vụ BHYT không phát triển kịp với tốc độ người tham gia, khiến quá tải chính là một trong những nguyên nhân mà các nhà quản lý đưa ra để lý giải cho tình trạng người sử dụng thẻ BHYT bị "hành xác”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đặc biệt lưu ý: trong việc nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BHYT, đối với cơ chế, chính sách chi trả, khám chữa bệnh BHYT cần chú ý quan tâm đến thủ tục hành chính, thái độ, y đức và chất lượng khám chữa bệnh. Đồng thời cần tăng cường phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách thu BHYT với chính sách viện phí, giá thuốc và cơ chế tài chính các cơ sở khám chữa bệnh; qua đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa chất lượng khám chữa bệnh, cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người dân.

Ông Bùi Đức Tráng - Phó GĐ Bảo hiểm xã hội TPHCM cho rằng: Không chỉ riêng người bệnh khám theo BHYT, mà những đối tượng khác cũng đang trong tình trạng "ngán ngẩm”, vì hầu hết các cơ sở y tế đều trong tình trạng quá tải triền miên. Trong khi đó, hiện diện khám theo thẻ BHYT gia tăng rất nhanh. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân được chỉ ra đi từ những quy định khá "cứng nhắc” trong Luật BHYT.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: quy định chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT trái tuyến với mức thanh toán từ 30- 70% chi phí đang "khuyến khích” người bệnh đổ dồn lên các tuyến trên, kể cả với những bệnh có thể chữa trị được ở tuyến cơ sở. Theo tính toán, nhiều trường hợp chỉ cần mức chi trả 30% ở tuyến kỹ thuật cao, cũng có thể tương đương với toàn bộ chi phí khi chữa trị ở tuyến dưới, vậy thì tội gì người bệnh không lên tuyến chuyên khoa.

Có thể nói tất cả những điều này không chỉ gây phiền phức cho bệnh nhân khám thẻ BHYT, mà còn là một trong những nguyên nhân góp phần vào việc quá tải BV để kéo theo nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, bà Tiến cũng thừa nhận chất lượng khám chữa bệnh tại các tuyến dưới vẫn là vấn đề khiến người dân lo ngại.

Trong hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật BHYT do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, bác sĩ Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, biểu giá viện phí hiện hành không đủ các danh mục bệnh danh, trong khi BHYT chỉ chấp nhận thanh toán khi áp dụng chẩn đoán bệnh đúng với tên bệnh danh trong biểu giá. Điều này khiến cho rất nhiều người bệnh vì được chẩn đoán tên bệnh không đúng với tên theo danh mục bệnh danh mà không được BHYT thanh toán, hoặc muốn được BHYT thanh toán thì bác sĩ phải chẩn đoán không hoàn toàn chính xác với bệnh cảnh thật của bệnh nhân. Cùng đó, việc thanh toán tiền vận chuyển cho bệnh nhân BHYT thủ tục quá rườm rà, khó áp dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh.

Riêng về vấn đề thuốc, ông Đồng cho biết: trong đợt đấu thầu này, kể cả một số Công ty dược phẩm trong nước khá có tiếng như Hậu Giang cũng không có mặt trong danh mục trúng thầu, các thuốc trúng thầu chủ yếu là thuốc có nguồn gốc Trung Quốc. Mặc dù các thuốc này đã được chứng minh tương đương với các thuốc gốc nhưng thực tế điều trị không đáp ứng trong các trường hợp bệnh nặng (nhất là các thuốc về tiểu đường, tim mạch, kháng sinh…). Nguyên nhân là do các tiêu chí kỹ thuật và tiêu chí công nghệ để đánh giá, tính điểm trong hồ sơ mời thầu theo quy định không đề cập đến nguồn gốc nguyên liệu, như từ Ấn Độ, Trung Quốc hay từ Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ... Như vậy, các thuốc được sản xuất trong nước tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn WHO-GMP có nguồn gốc nguyên liệu từ EU có Bảng điểm kỹ thuật không cao hơn nhưng giá thành lại cao hơn các thuốc có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, và sẽ bị loại không thể trúng thầu…

Sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, cả nước có gần 68% dân số tham gia bảo hiểm y tế, hơn 120 triệu lượt người được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm qua và Quỹ BHYT hiện đóng góp 70% nguồn tài chính trực tiếp dành cho việc khám chữa bệnh. Theo nhiều chuyên gia bảo hiểm y tế, để ngày càng nhiều danh mục kỹ thuật cao được chi trả, ngoài việc đẩy nhanh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, cần tăng mức đóng bảo hiểm y tế, thậm chí quy định các mệnh giá đóng góp khác nhau sẽ được hưởng quyền lợi khác nhau để người bệnh lựa chọn cho phù hợp.

Tuy nhiên dư luận cũng cho rằng khi ngày càng nhiều người tham gia bảo hiểm y tế, nỗi lo vỡ quỹ không cấp thiết bằng việc minh bạch và đảm bảo công bằng, hiệu quả trong chi trả trả bảo hiểm y tế.

Kiều Việt Thành (Đại đoàn kết)