Quốc hội biểu quyết thông qua 4 Dự án Luật, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm

21/06/2013 09:43 AM


Ngày 19/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua 5 dự án Luật về giáo dục quốc phòng - an ninh, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.


Trong đó, 4 dự án luật (Luật giáo dục quốc phòng-an ninh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai) đã được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua ngày hôm nay. Các Luật này được thông qua sẽ góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, đồng thời tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực trên tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đặc biệt, với việc Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên trong thời điểm khó khăn hiện nay. Đó là lộ trình giảm dần thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm tới mà dự thảo luật xác định được nhiều đại biểu tán thành từ 28% xuống 25% và 22% sẽ tạo cú hích lớn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sản xuất và cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với 25 nhóm đối tượng miễn thuế giá trị gia tăng cũng giúp các doanh nghiệp có cơ hội không nhỏ để phát triển sản xuất, kinh doanh của mình.

Trong buổi sáng Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Việc làm. Dự án Luật Việc làm. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định: "Luật Việc làm sẽ mang lại lợi ích thiết thực gì nhất cho người lao động. Đầu tiên là về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bởi khi người lao động bị thất nghiệp, họ rơi vào khu vực phi chính thức, khi đó họ sẽ được hưởng một khoản trợ cấp trong thời gian nhất định để có thể được đào tạo nghề, đào tạo lại nghề hoặc được hỗ trợ tư vấn để quay lại thị trường lao động. Sau nữa là chính sách tác động tới khu vực có quan hệ lao động là chính sách nâng cao kỹ năng nghề phục vụ cho quá trình chuyển dịch công việc mới; thông tin dự báo về thị trường lao động… Còn đối với các đối tượng lao động ở quy mô nhỏ lẻ, Dự án Luật đưa ra các chính sách hỗ trợ tạo việc làm như tín dụng nhỏ cho vay lãi suất thấp; hỗ trợ để chuyển dịch việc làm khi đất đai bị thu hồi, tái định cư; chính sách dành cho lao động trẻ; chính sách việc làm công. Đáng chú ý, mỗi năm chúng ta có khoảng 1 - 1,2 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động nên cần phải dành sự quan tâm và chính sách đặc biệt hơn.

Việc nâng cao chất lượng cho người lao động về tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là quan trọng. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu việc làm bền vững thì người lao động phải có tay nghề, có thu nhập thỏa đáng, môi trường làm việc an toàn. Những yếu tố này sẽ gắn với đạo đức nghề nghiệp, tác phong của người lao động. Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục cơ cấu lại lao động, chỉ còn 30 - 35% lao động nông nghiệp từ con số hơn 47% hiện nay. Như vậy, đòi hỏi quá trình chuyển dịch rất nhanh, sẽ có khoảng 10 triệu lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực chính thức. Nếu chất lượng người lao động, nguồn nhân lực không đáp ứng được thì quá trình tái cơ cấu sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn. Hiện rất ít nước trên thế giới thực hiện chính sách bảo hiểm việc làm, vì chính sách này là bảo hiểm cho cả doanh nghiệp và người lao động, chỉ hiệu quả ở những nước tỷ lệ lao động trong quan hệ lao động ở mức độ cao, khoảng 80 - 90%. Nước ta tỷ lệ lao động trong quan hệ lao động mới khoảng trên dưới 30%, nên quỹ bảo hiểm việc làm là không có khả năng. Theo tôi, chúng ta vẫn nên giữ nguyên chính sách bảo hiểm thất nghiệp, nhưng có bổ sung thêm chính sách mới là hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp trong khi nền kinh tế khó khăn để duy trì việc làm. Có lẽ với mức độ hiện nay chỉ có thể dừng lại như thế".

Theo Chinhphu.vn