Quá tải bệnh viện: Chấm dứt vào năm 2020?

17/01/2013 01:42 AM


Việc xây dựng xong đề án giảm quá tải bệnh viện và đưa thêm khoảng 1.350 giường bệnh vào sử dụng đã được Bộ Y tế chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành trong năm 2012. Tuy nhiên, theo đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9-1, ít nhất 7 năm nữa tình trạng làm khổ cả bác sĩ lẫn bệnh nhân này mới chấm dứt.


Tình trạng quá tải tại các bệnh viện vẫn là “bài toán” chưa có lời giải.

Người bệnh vẫn khổ

Từ nửa cuối tháng 12-2012 đến nay, Hà Nội và cả miền Bắc triền miên rét đậm, rét hại. Ngồi trong phòng kín, đủ quần áo ấm, có khi phải dùng thêm quạt sưởi, điều hòa nhiệt độ mới chịu được. Nhưng tại Bệnh viện (BV) K, dù cơ sở y tế đã rất cố gắng nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ngoài hành lang. Tại BV Bạch Mai, trên lối đi, người nhà bệnh nhân trải chiếu, đắp chăn ngủ ngon lành.

Theo đề án giảm quá tải BV vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu giai đoạn 2013-2015 là tập trung giảm quá tải cho nhóm BV tuyến cuối tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhất là những nơi công suất sử dụng giường bệnh trên 120%. Cũng trong giai đoạn này, các BV đang có công suất sử dụng giường khoảng 60% sẽ được điều chỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, nhằm tạo độ tin cậy cho người dân tới khám chữa bệnh, nâng công suất sử dụng giường lên 80%.

Tuy nhiên, mặc dù dự kiến sẽ đưa thêm trên 7.000 giường bệnh vào sử dụng trong giai đoạn này, đồng thời triển khai hàng loạt giải pháp như xây dựng hệ thống bác sĩ gia đình, trước mắt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từ năm 2013. Nhưng Bộ Y tế cũng khiêm tốn đặt mục tiêu sau năm 2020, tức phải 7 năm nữa, mới có thể chấm dứt tình trạng quá tải BV. Trước mắt, khi các BV từ tuyến tỉnh trở lên, đặc biệt những cơ sở y tế tuyến cuối, vẫn trong tình trạng chắp vá về cơ sở vật chất thì bệnh nhân vẫn phải chịu cảnh chờ lâu mới được khám, nằm ghép giường.

Chống quá tải, làm gì cho hiệu quả?

Nói về tình trạng bệnh nhân phải chờ đợi khám chữa bệnh quá lâu, một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, nguyên nhân là do tư duy xây dựng BV theo kiểu chắp vá, có đâu làm đó. Theo chuyên gia này, lẽ ra các khu khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh phải liên hoàn để bệnh nhân đỡ mất thời gian đi lại, xếp hàng nộp tiền, lấy kết quả… thì ở các BV các bộ phận này thường được bố trí ở nhiều khu khác nhau, đến đâu cũng phải xếp hàng nộp tiền ứng trước vì BV sợ thất thu, nhưng sau khi điều trị lại phải đi thanh toán viện phí, có khi số tiền nhận lại gần bằng số tiền tạm ứng.

Gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, có BV đã giảm được thời gian chờ đợi cho bệnh nhân nhờ tiết giảm các thủ tục hành chính từ 14 bước xuống còn 6 bước. Nhóm chuyên gia thực hiện khảo sát tại BV này thấy 6 bước thủ tục vẫn còn là nhiều và có thể giảm tiếp. Các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng nên nghiên cứu, học tập cách làm này. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, thời gian chờ đợi để khám bệnh ở đơn vị đã chỉ còn 4 đến 6 tiếng, trước đây trung bình lên tới 8 tiếng, thậm chí có những trường hợp phải chờ đợi nhiều ngày mới đến lượt sử dụng các thiết bị chẩn đoán. Chuyện chờ đợi khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất thời gian, tốn tiền bạc, nhất là những người ở xa, một người bệnh đi chữa bệnh bao giờ cũng thêm ít nhất một người đi chăm sóc.

Trước thực trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang cử một nhóm cán bộ đi đóng vai người bệnh để "đo" thực tế, thời gian chờ khám, chờ chữa bệnh ở một số BV lớn và nguyên nhân của tình trạng này do đâu. Một điểm yếu của các BV hiện nay là ít đơn vị ứng dụng một cách hiệu quả công nghệ thông tin vào trong quản lý cũng như thực hiện các thủ tục hành chính.

Tính đến thời điểm này, hầu hết tỉnh, thành đã phê duyệt hoặc thực hiện chính sách viện phí mới, các BV tuyến trung ương cũng đã đưa khung viện phí mới vào áp dụng, chỉ còn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang chờ trình HĐND vào kỳ họp giữa năm 2013. Viện phí đã tăng, nhưng quá tải vẫn còn, nghĩa là chất lượng khám chữa bệnh chưa tăng. Lời phàn nàn này xin gửi đến các BV.

Nguồn hanoimoi.vn