Rùng rợn rác y tế

07/06/2013 08:42 AM


Sự vào cuộc quyết liệt của Cảnh sát môi trường gần đây cho thấy việc kiểm soát rác thải y tế còn đầy bất cập. Hiện tượng tái chế nhựa từ chất thải y tế nguy hại vẫn diễn ra một cách đáng báo động, dù Bộ Y tế quy định cấm tái chế.


Ảnh: Nguyễn Khanh

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường công an tỉnh Nghệ An tháng 5 vừa qua, đã điều tra làm rõ vụ mua bán rác thải y tế trái phép tại BV Y học cổ truyền Nghệ An. Chất thải y tế nguy hại đổ lẫn với rác sinh hoạt như kim tiêm có tiếp xúc với các bệnh nhân bị bệnh lây nhiễm qua máu như viêm gan B, viêm gan C hay HIV - là nguồn lây nhiễm bệnh đáng sợ.

Từ chuyện bệnh viện bán rác…

Tin báo có một số đối tượng mua bán rác thải y tế nguy hại trái phép tại BV Y học cổ truyền Nghệ An, tổ Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CA Nghệ An nhanh chóng xuống hiện trường mật phục, phát hiện Lê Thị Tâm chở đi tiêu thụ bơm tiêm và chai nhựa đựng dung dịch truyền đã qua sử dụng – là rác thải y tế của BV này. Lê Thị Tâm thừa nhận thu mua 11,5kg bơm tiêm nhựa đã qua sử dụng của các nhân viên BV.

Trong khi các cơ sở thu gom rác thải y tế trôi nổi trên thị trường ngày càng nhiều, đống kim tiêm nhựa thải là rác y tế đi đâu, về đâu? Chúng vào các cơ sở tái chế dù tái chế nhựa từ chất thải y tế nguy hại, thuộc danh mục cấm tái chế do Bộ Y tế quy định. Chỉ cần khảo sát ở một cơ sở tái chế nhựa không tên trên phần đất của tập đoàn Chấn Hưng ở khu phố 1, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) rất dễ thấy những chất thải nguy hại bị cấm tái chế bơm kim tiêm, bộ dây chuyền dịch, ống dẫn lưu… Chủ cơ sở này đã sử dụng rác thải y tế nguy hiểm xay nhỏ thành hạt nhựa nguyên liệu bán cho các cơ sở sản xuất nhựa khắp cả nước. Chủ cơ sở này cho biết, đã sử dụng hợp đồng với BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để mua rác thải y tế. Theo hợp đồng, BV chỉ bán những chất thải thông thường, không bán chất thải nguy hại và nghiêm cấm dùng nhựa thải y tế để tái chế thành sản phẩm đựng thức ăn. Không ai dám chắc số lượng lớn hạt nhựa này không dùng để tái chế các sản phẩm đựng thực phẩm, nơi tích tụ vi khuẩn gây ra các triệu chứng đau bụng, nhức đầu, ngộ độc... Hộp làm từ nhựa nguy hại sẽ sản sinh chất độc BPA dẫn đến các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư...

"Sản phẩm nhựa đựng thực phẩm an toàn là nhựa melamine, không ảnh hưởng đến sức khoẻ do có độ kháng nhiệt cao, không bị ăn mòn bởi dung môi hay dầu mỡ, không trầy xước, không mùi vị thực phẩm”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Hoan, Trung tâm phân tích và xử lý môi trường, Viện Hoá học Công nghệ cho biết.


Rác thải y tế được xếp vào nhóm nguy hại hàng đầu

… Đến đổ chung chất thải y tế nguy hại với rác sinh hoạt

Tại Hà Nội, Phòng khám đa khoa phía Nam (Trương Định, Hoàng Mai) mới đây cũng bị Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường CATP Hà Nội phát hiện nhân viên ở đây thu gom bơm kim tiêm, bông băng dính máu, lọ thuốc vào túi nilon đen đổ lẫn với rác thải sinh hoạt. Phó Giám đốc phòng khám Bùi Lê Cường thừa nhận, lâu nay đã chỉ đạo nhân viên thu gom như vậy. Còn chất thải y tế nguy hại khác như dịch hút nạo phá thai và thai nhi dưới 7 tuần tuổi sau khi "xử lý”, nhân viên sẽ ngâm cùng hoạt chất Cloramin B, sau đó xả trực tiếp vào bể phốt sinh hoạt của phòng khám…

Một khi chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề rác thải y tế, một loại rác thải được xếp vào đặc biệt nguy hại thì mối đe dọa do rác thải y tế gây ra là khôn lường. Hiện cả nước có hơn 13.500 cơ sở y tế các loại và tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 450 tấn/ngày, trong đó 47 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại phải được xử lý phù hợp. Tổng lượng nước thải y tế phát sinh cần xử lý cũng lên tới 125.000 m3/ngày. Theo kế hoạch đến 2015 mới hy vọng 100% BV Trung ương, BV tư nhân xử lý chất thải y tế đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Tỷ lệ này là 70% ở BV tuyến tỉnh, ngành và 50% BV tuyến huyện. Vậy là hiện nay không ít rác thải y tế nguy hiểm gây lây nhiễm bệnh, bệnh phẩm, các hóa chất hết hạn, chất phóng xạ, những vật dụng y tế sắc nhọn như kim tiêm... vẫn chu du.

Rác y tế là vấn nạn toàn cầu

Một chuyên gia đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền và rác thải độc hại cho rằng, rác thải y tế đang trở thành vấn đề toàn cầu đe dọa sức khỏe nhân viên y tế, bệnh nhân, công nhân thu gom rác và bất kỳ ai thường xuyên tiếp xúc với chất thải độc hại của các BV và các cơ sở chăm sóc y tế khác. Vì vậy, phải xây dựng một cơ chế pháp lý quốc tế đối với việc quản lý và xử lý rác thải y tế, thay thế các lò đốt bằng các biện pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.

Vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại ở các nước đang phát triển vì lượng chất thải y tế của các nước này đang tăng nhanh do các dịch vụ y tế đang được mở rộng, trong khi các công cụ kỹ thuật và tài chính để đảm bảo việc quản lý và xử lý rác thải y tế một cách hợp lý lại thiếu. Theo Bộ Y tế, dù vẫn là yêu cầu bức thiết nhưng xử lý chất thải y tế vẫn là bài toán nan giải mà lý do chính nằm ở vấn đề kinh phí và công nghệ phù hợp với giá thành đầu tư.

Kim Vân (báo Đại đoàn kết)