Chăm lo đời sống công nhân: Nhiều bất cập cần sớm tháo gỡ

22/05/2013 03:34 AM


Công nhân viên chức, người lao động (NLĐ) cả nước đang hướng tới Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XI. Trong Tháng Công nhân năm 2013, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu thực tế đời sống NLĐ ở các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước tại Hà Nội, ghi nhận những vấn đề “nóng” đang đặt ra và phát hiện nhiều bất cập cần quan tâm giải quyết liên quan đến bảo đảm quyền lợi, đời sống của NLĐ.


Hai nữ công nhân Công ty Canon thuê nhà ở xã Kim Chung (Đông Anh) nhờ bà ngoại và chị gái lên trông con nhỏ để đi làm.

Thu nhập thấp, công việc bấp bênh, cuộc sống buồn tênh, tương lai… lênh đênh” là câu nói vui nhưng đầy nỗi tủi thân của không ít công nhân trực tiếp lao động trong các DN ngoài Nhà nước.

Đời sống rất khó khăn

Đó là lời phân trần của rất nhiều công nhân với chúng tôi, đồng thời cũng là đánh giá của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội tại Đại hội Công đoàn TP Hà Nội nhiệm kỳ 2013-2018. Chị Phan Thị Hương, công nhân Công ty TNHH may mặc xuất khẩu VIT-GARMENT (Khu Công nghiệp Quang Minh) bày tỏ: “Lương của tôi được 3,5 triệu đồng, tính cả làm thêm giờ. Thuê nhà trọ và tiền điện nước hết 800.000 đồng; ăn uống tằn tiện cũng phải 1,2 triệu đồng; tiền điện thoại, xăng xe hết 400.000 đồng; mua đồ dùng sinh hoạt thiết yếu khoảng 500.000 đồng. Tháng nào không ốm đau, không có đám hiếu, hỷ thì còn được về thăm nhà, còn nếu có là “âm”. Cả năm trông mong vào 2-3 triệu đồng tiền thưởng Tết, nhưng mua bộ quần áo và về quê là hết nên chẳng có tích lũy. Nhiều lúc nghĩ tủi thân vì bạn bè ở nhà làm ruộng nhàn hơn, ít phải chi tiêu nên sắm được nhiều thứ. Cứ thế này, đến lúc lập gia đình chắc tôi vẫn trắng tay”.

Những công nhân có thu nhập 3,5 triệu/tháng còn là may mắn, bởi thống kê của LĐLĐ TP Hà Nội cho thấy: Thu nhập bình quân của công nhân lao động trực tiếp trong các DN chỉ đạt khoảng 3,2 triệu đồng/tháng (tính cả lương, thưởng, phụ cấp), không bảo đảm mức sống tối thiểu do giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên tục tăng cao. Khá nhiều DN chỉ trả lương cho công nhân ở mức 2,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, thu nhập của đa số công nhân không đủ trang trải cuộc sống là hoàn toàn thực tế, kể cả khi không phải thuê nhà.

Vợ chồng anh Nguyễn Thế Thắng (quê xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), làm ở Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam đã 7 năm, giãi bày: “Thu nhập của vợ chồng tôi khoảng 8 triệu đồng/tháng, tính cả làm thêm. Xa quê nên phải thuê nhà và thuê người trông con hết 3 triệu đồng. Tháng nào con không ốm thì tạm đủ tiêu. Đến giờ chúng tôi vẫn chẳng mua sắm được gì, chỉ có chiếc xe máy Wave Al-pa do Trung Quốc sản xuất được bố mẹ mua cho từ thời sinh viên. Ở quê thỉnh thoảng còn được bữa ăn cải thiện vì tự trồng rau, chăn nuôi, còn công nhân thì… Thực tế, chúng tôi nghĩ cho tương lai sẽ được hưởng lương hưu và cũng hy vọng tới đây tình hình sẽ có nhiều đổi mới, nên cố gắng bám trụ thôi”!

Bà Nguyễn Thị Hóa, nguyên Chủ tịch Công đoàn Các Khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội bày tỏ trăn trở: “Đời sống công nhân trước thời kỳ suy giảm kinh tế cũng đã rất khó khăn vì đa số DN ngoài Nhà nước chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Họ bắt NLĐ làm việc cật lực nhưng trả lương không tương xứng. Vấn đề bức xúc nhất là thiếu nhà ở cho NLĐ. Khoảng 60% công nhân làm việc trong các khu công nghiệp ở Hà Nội phải thuê nhà trọ rất chật chội. Chẳng lẽ suốt đời làm công nhân cứ phải đi thuê nhà?”.

“Đói” văn hóa tinh thần

Hơn 2 tuần đi tìm hiểu thực tế tại các khu, cụm công nghiệp: Bắc Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài, Sài Đồng, Từ Liêm, Minh Khai…, mặc dù đang trong “Tháng công nhân” (tháng 5) nhưng chúng tôi chỉ thấy vài DN ở các khu, cụm công nghiệp này tổ chức hoạt động văn nghệ vào buổi tối.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hằng, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết: “Các hoạt động văn hóa tinh thần dành cho công nhân do LĐLĐ thành phố và các quận, huyện tổ chức hoặc phát động, nhưng rất ít DN hưởng ứng. Hầu hết các DN ngoài Nhà nước không tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ-thể thao và không có khu vui chơi thể thao, nhà sinh hoạt văn hóa cho công nhân. Có thể nói, công nhân rất “đói” về văn hóa tinh thần”.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam) thì mức sống tối thiểu của một lao động thuộc vùng 1 khoảng 3,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó lương tối thiểu vùng 1 hiện nay của NLĐ là 2,35 triệu đồng, chỉ đáp ứng được hơn 63% mức sống tối thiểu; còn công nhân lao động trực tiếp trong các DN ở Hà Nội thu nhập bình quân 3,2 triệu đồng/tháng.

Dạo qua các tuyến đường, khu dân cư gần các khu công nghiệp vào buổi tối, chúng tôi thấy khá nhiều công nhân tụ tập ven đường hóng mát, nói chuyện phiếm. Cảnh phổ biến nhất là những “cặp đôi” ngồi tâm sự, âu yếm nhau trên những đoạn đường vắng. Còn trong khu công nghiệp thì yên ắng, chỉ văng vẳng tiếng máy của những DN có công nhân làm ca đêm.

“Ngoài giờ làm, ai không có người yêu thì chủ yếu là ngủ, chứ đi chơi thì làm gì có tiền! Xem ti vi nhiều cũng sợ tốn điện vì chủ nhà trọ tính giá điện cao gấp ba lần giá bình thường. Thực lòng, bọn em không thích được nghỉ. Ai cũng đăng ký làm thêm giờ để đỡ phải tiêu tiền, về phòng trọ là ngủ miết, chẳng biết vui chơi giải trí là gì”! - Nguyễn Thị Hà, công nhân ở Cụm công nghiệp Minh Khai (huyện Từ Liêm) bộc bạch.

Theo đồng chí Ngô Văn Minh, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP Hà Nội, thì thời gian qua LĐLĐ thành phố rất tích cực vận động, hỗ trợ kinh phí, vật chất cho các khu công nghiệp và DN xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, nhưng mới tổ chức được 12 điểm (đây là mô hình mới của Hà Nội, các nơi khác chưa có - PV). LĐLĐ thành phố đang kiến nghị với cấp trên có chính sách ưu tiên xây dựng điểm sinh hoạt văn hóa ở các khu, cụm công nghiệp để cải thiện đời sống tinh thần cho NLĐ.

Day dứt chuyện nuôi dạy con

Tiếp xúc với công nhân làm việc trong các DN ngoài Nhà nước, chúng tôi được nhiều người bày tỏ về nỗi lo thiếu thời gian dành cho việc “tề gia”, nhất là nuôi dạy con. Với những công nhân đang sống độc thân thì rất lo chuyện lập gia đình.

Chị Phan Thị Tuyên, công nhân Công ty Cổ phần may Sơn Hà ở thị xã Sơn Tây, kể: “Công ty tôi làm việc có hơn 1000 công nhân, chủ yếu là nữ. Dù ở đây bảo đảm đủ các chế độ cho NLĐ, nhưng quanh năm công nhân phải làm thêm nên rất ít thời gian dành cho gia đình. Bình thường, chúng tôi làm việc từ thứ hai đến thứ bảy, tối về tới nhà thì con đã sắp ngủ. Chủ nhật nhiều khi cũng phải đi làm để công ty kịp giao hàng. Hơn 10 năm làm công nhân, vợ chồng tôi phải nhờ ông bà nội nấu ăn và chăm lo toàn bộ cho 2 con. Chưa lần nào chúng tôi đưa con đi chơi xa, họp phụ huynh cũng phải nhờ ông bà. Nếu nhà có việc cần thiết lắm mới xin nghỉ vì nghỉ thì bị trừ lương, thưởng”.

Theo nhiều cán bộ công đoàn thì công nhân ngành dệt may và giày da thường phải làm thêm giờ vì ngành này nhiều việc, lương thấp, nữ công nhân dễ chấp nhận làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Chuyện vợ chồng công nhân phải gửi trông con từ sáng đến đêm khá phổ biến, hiếm có thời gian kèm cặp con học hành. Bên cạnh đó, khá nhiều nữ công nhân “U30” vẫn đơn thân do thu nhập thấp, bận việc, ít có điều kiện giao lưu và “cánh con trai” cũng ngại lấy vợ làm công nhân may, giày da.

Đến những khu nhà trọ của công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh), chúng tôi gặp nhiều bà nội, bà ngoại lên trông cháu cho con làm việc trong Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long. Mẹ của nữ công nhân Khổng Thị Hồng (quê ở xã Lãng Công, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) giãi bày: “Con gái tôi làm ở Công ty Canon, chồng là công nhân tận Hưng Yên. Tiền lương hai đứa không đủ thuê trông con nên tôi phải bỏ ruộng vườn lên bế cháu. Khi nào cháu 1 tuổi, mẹ bắt đầu phải làm ca đêm thì tôi đưa cháu về quê để cai sữa luôn. Hàng nghìn nữ công nhân ở đây đều như vậy chú ạ! Xót xa lắm…”!

Theo Báo Quân đội nhân dân