Thanh tra Chính phủ: Tiến hành thanh tra công tác khám, chữa bệnh BHYT

21/05/2013 09:03 AM


Đoàn Thanh tra Chính phủ vừa có buổi làm việc và công bố quyết định kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật tại Bộ Y tế.


Theo đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra chủ yếu về công tác khám, chữa bệnh. Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Nội dung thanh tra bao gồm 4 vấn đề:

+ Thanh tra công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện các quy định của thanh tra về phòng, chống tham nhũng;

+ Thanh tra về công khai minh bạch trong công tác khám, chữa bệnh, trong đó có khám, chữa bệnh BHYT. Cụ thể, thanh tra việc mua thuốc, trang thiết bị khám, chữa bệnh; đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; thanh tra việc xã hội hóa trong khám, chữa bệnh; thanh tra kinh phí hoạt động khám, chữa bệnh; thanh tra việc xử lý đơn thư của Bộ Y tế; xem xét đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Y tế.

Trước đó hàng loạt các thông tin về việc bác sĩ tiếp tay ăn cắp thuốc do Quỹ BHYT chi trả để tuồn ra ngoài. Cụ thể, ông Nguyễn Văn An (Đường số 6, P.15, Q.Gò Vấp) là một trong những người giữ hàng chục thẻ BHYT của người khác. Nhờ số thẻ này, ông ta đã đến bệnh viện lấy thuốc đem bán cho các nhà thuốc gần bệnh viện. Trong một buổi sáng, ông An đã dùng hai thẻ BHYT vào lấy thuốc trót lọt tại Bệnh viện Gò Vấp và mang đi bán tại một nhà thuốc gần bệnh viện. Bà Nam (tên thật là Lê Thị Mỹ Phụng) cũng là người lấy thuốc khống từ các thẻ BHYT lấy được của giới công nhân. Mỗi thẻ bà Nam mang vào bệnh viện, lấy thuốc ra bán được cả trăm ngàn đồng. Mỗi ngày lấy bốn sổ là được bốn trăm ngàn.

Bệnh viện Gò Vấp có 11 phòng khám bệnh ngoại trú, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1.000 lượt bệnh nhân diện BHYT đến khám bệnh. Có một số bác sĩ tại bệnh viện thường kê toa thuốc mà không có mặt bệnh nhân như bác sĩ Lê Hữu Công - Phòng khám số 6, bác sĩ Tô Năng Thi - Trưởng khoa nhiễm, bác sĩ Nguyễn Hữu Tĩnh - Khoa khám bệnh. Trong tháng 1/2013, bác sĩ Công đã kê hơn 150 toa thuốc khống. Người kí nhận thuốc chỉ cần ký tên lĩnh thuốc dưới danh nghĩa người thân là "vô tư" cầm thuốc đem về nhà. Chẳng hạn như bà Nam cầm BHYT của 4 công nhân Công ty TNHH giày da Huê Phong có tên trên thẻ là Phạm Thị Hằng, Phan Thị Mỹ Loan, Đặng Yến Linh, Đào Thị Sang đến khám và chỉ cần ghi là "lãnh cho cháu", "lãnh cho con" là được lấy thuốc. Việc quản lý thuốc theo diện BHYT quá lỏng lẻo đã làm nảy sinh mánh gian dối mới gây thất thoát một số lượng thuốc lớn ở bệnh viện và hàng chục triệu đồng của Nhà nước.

Tại bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, mới đây, Sở Y tế TPHCM đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra việc hàng loạt đơn tố cáo của cán bộ, bác sĩ gửi lên Thành uỷ, UBND TP "tố" nguyên giám đốc của BV là BS Nguyễn Chí Hùng khi còn đương chức đã liên kết với tư nhân, Cty bên ngoài để đặt máy CT scanner, máy MSCT, máy tán sỏi, máy siêu âm màu tại BV... với nhiều khuất tất, không minh bạch và có dấu hiệu "lợi ích nhóm".

Tình trạng loạn giá thuốc cũng thường xuyên diễn ra. Mặc dù các khảo sát cho thấy giá thuốc tại Việt Nam không cao hơn giá thuốc tại một số nước trong khu vực song vẫn tồn tại bất hợp lý. Đó là tình trạng cùng loại thuốc, cùng hàm lượng, cùng dạng bào chế như nhau, cùng nhà sản xuất... nhưng khi cung ứng vào hai BV không cách nhau bao xa lại có giá khác nhau, có nơi cao chót vót. Chính sự bất cập về giá thuốc đã đẩy bất lợi về phía người bệnh, dẫn đến sự bất bình đẳng trong chi trả tiền thuốc khi cùng bệnh giống nhau, phác đồ điều trị như nhau. Trước hàng loạt những điểm bất cập về công tác khám, chữa bệnh, người dân kỳ vọng vào đợt thanh tra này sẽ "chấn chỉnh" được hoạt động này để họ có thể yên tâm trao tính mạng cho những "lương y như từ mẫu".

Theo ĐVO