Nhân sự cấp cao chật vật tìm việc

15/05/2013 08:01 AM


Công ty truyền thông, nơi anh Lâm làm Trưởng phòng công nghệ thông tin 14 năm nay, không còn khả năng trả lương. Sau một năm và gần chục lần thử việc ở nhiều doanh nghiệp, anh mới ổn định chỗ làm nhưng thu nhập giảm hẳn.

Rời công ty truyền thông từ giữa năm ngoái nhưng đến nay anh Lâm mới ổn định vị trí trưởng phòng công nghệ thông tin ở công ty bảo hiểm của Italy, chi nhánh tại TP HCM. Nhớ lại quá trình tìm việc cả năm qua, anh Lâm kể đã tới lui cả chục công ty nhưng không nơi nào làm quá 3 tháng. Chỗ thì môi trường làm việc quá kém, nơi lương thấp, có công ty chẳng tạo điều kiện cho người lao động phát huy hết năng lực. "Tôi có kinh nghiệm hơn 10 năm mà tìm một công việc ưng ý quả rất khó khăn trong thời buổi này. Kể từ lúc ra trường tới nay, lần đầu tiên tôi thấm thía cảm giác chật vật khi xin việc", anh chia sẻ.

Thu nhập không phải là một trong những nguyên nhân chính khiến các sếp nghỉ việc. Cách đây 2 tháng, Adrian, giám đốc tiếp thị người Philippines làm việc ở một công ty dược phẩm, quận Tân Bình nhận được thông báo "khẩn" từ ban lãnh đạo. Anh kể, người đứng đầu doanh nghiệp nói sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động và không còn đủ khả năng trả lương cho anh nữa, ở mức 4.000 USD một tháng. Anh chủ động rời khỏi nơi đã gắn bó 4 năm để nộp đơn sang công ty khác nhưng tới nay vẫn chưa nơi nào chính thức phản hồi. Trong quá trình chờ đợi, anh vừa dạy thêm ở khoa quản trị kinh doanh vào buổi tối tại một trường quốc tế và làm tư vấn kinh doanh cho công ty dược phẩm: "Tình hình tài chính eo hẹp hơn nên tôi tìm đủ cách xoay sở và hiện cũng chỉ mới có được khoản thu nhập tương đương 30% so với trước. Riêng lĩnh vực tư vấn kinh doanh, tôi bị áp doanh số nhưng do có mối quan hệ sẵn nên cũng không tới nỗi nào".

Trường hợp của anh Lâm, Phó Giám đốc kinh doanh tại một công ty ô tô, quận Phú Nhuận lại tự gửi đơn nghỉ việc do bất đồng quan điểm với lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, anh tự tin vào năng lực, kinh nghiệm từng trải gần chục năm của mình nên dù bạn bè khuyên bảo "cố chịu đựng", anh vẫn quyết tâm ra đi. Với anh, tiền lương không quan trọng mà trên hết là được thỏa mãn đam mê kinh doanh từ thời còn là sinh viên. Anh muốn tự chủ trong mọi quyết sách của lĩnh vực mình phụ trách, đôi lúc có chút táo bạo bởi nhiều khi "liều mới thắng". Chính vì vậy, quyết định đầu quân về một doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành này, lương thấp hơn nhiều và thua xa mức 40 triệu đồng ở công ty cũ nhưng anh vẫn hài lòng.

Còn công ty xuất nhập khẩu của chị Thủy, quận 8 đầu tư dàn trải vào bất động sản nên không đủ dòng tiền quay vòng vốn, cứ vay chỗ này đắp chỗ kia, tới lúc không còn nhờ được ai buộc phải co cụm lại. Kết quả, 20 người đành nghỉ việc, trong đó có chị vì nếu có ở lại cũng không hưởng trọn vẹn mức lương như trước. Không may mắn tìm được vị trí giám đốc kinh doanh như mong muốn, chị Thủy, giờ chuyển qua làm quản lý một nhóm nhỏ ở công ty thương mại dịch vụ ở quận Tân Bình: "Tôi cứ nhận công việc này trước để san sẻ tài chính với chồng, nhưng vẫn để mắt tìm chỗ tốt hơn".

Theo thông từ Anphabe Top Headhunt (chuyên cung ứng các đầu việc cho người lao động trên trang mạng cộng đồng Anphabe), hiện có từ 300 - 500 đầu việc dành cho giới nhân sự cấp cao (chủ yếu ở lĩnh vực kinh doanh, marketing) với mức lương trên 1.000 USD. Vị đại diện cho biết, trong tháng 2, có tới 54% nhân sự cao cấp tham gia khảo sát có mong muốn tìm công việc xứng tầm hơn. Khảo sát trực tuyến xu hướng tuyển dụng và dịch chuyển nhân lực cao cấp này có hơn 55.000 người tham gia. Nhóm cũng khảo sát nhu cầu tìm việc của 11 công ty "săn đầu người" tại Việt Nam để tham chiếu kết quả. Kết quả cho thấy, doanh nghiệp thu hẹp kinh doanh nên giảm bớt vị trí (từ nhân sự cấp thấp đến cấp cao); lương, thưởng bị giảm hoặc không tăng như ý; kinh doanh khó khăn dẫn tới môi trường làm việc căng thẳng; khó nhìn thấy cơ hội thăng tiến.

Đại diện của một trang web việc làm ở TP HCM cũng cho hay, trong một tháng trở lại đây, số lượng người tìm việc từ cấp trưởng phòng trở lên tại TP HCM khoảng 27 người và nhưng công việc dành cho vị trí này chỉ 15. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, trong tháng 5 và các tháng tới, các nhóm ngành dưới đây tiếp tục gia tăng nhu cầu tuyển dụng: Marketing – Quan hệ công chúng – Tổ chức sự kiện; Dịch vụ thông tin – Tư vấn – Chăm sóc khách hàng; Dệt may – Giày da; Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán (Nhân sự chất lượng cao); Dịch vụ, phục vụ - Nhà hàng khách sạn – Du lịch; Xây dựng – Vận tải; Công nghệ thông tin (Lập trình viên, Quản trị mạng…).

Kế toán trưởng thất nghiệp hàng loạt

Gửi cả chục bộ hồ sơ với đề xuất lương chỉ bằng 70% nơi làm việc cũ nhưng 3 tháng nay, chị Linh, quận Tân Bình không nhận được hồi âm nào cho vị trí kế toán trưởng. Công ty thương mại dịch vụ nơi chị Linh làm hơn 4 năm thua lỗ tới mức phải đóng cửa. 20 nhân viên được lãnh đạo thông báo trước tình hình nên ai cũng chủ động tìm đường cho mình nhưng không dễ dàng: "Tôi gửi nhiều bộ hồ sơ qua Internet, đến trực tiếp văn phòng và nhờ cả bạn bè tìm hộ nhưng 3 tháng nay vẫn bặt vô âm tín". Trong hồ sơ xin việc, chị chỉ dám đưa ra mức lương mong muốn khoảng 70% nơi làm trước. Đồng nghiệp khuyên chị Linh chuyển qua ứng tuyển ở vị trí kế toán viên sẽ có cơ hội tìm được việc nhanh hơn vì mỗi công ty có một kế toán trưởng nhưng cần nhiều kế toán viên. "Tôi không nghĩ người có kinh nghiệm chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực này có lúc phải thất nghiệp lâu như vậy. Hiện nay đơn vị nào có nhu cầu tuyển, tôi ứng cử ngay, chứ không kén chọn như trước" - chị chia sẻ.

Cách "chữa cháy" của chị Cảnh ở quận 3 là nhận làm báo cáo thuế để trang trải cuộc sống. Ở thời điểm số doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp hoạt động chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay, một nhân viên kiêm thêm nhiều đầu việc nên đường vào nghề của nhân sự kế toán càng khó khăn hơn. Chưa kể, các công ty rất hạn chế tuyển mới kế toán trưởng vì ảnh hưởng lớn tới sổ sách, tính minh bạch, niềm tin của cổ đông (nhất là những công ty đại chúng lớn).

Nguyên nhân thất nghiệp của anh Hồng, quận 5 là trường hợp ngoài ý muốn. Công ty vận tải biển nơi anh làm việc có sự cố đắm tàu khi chuyên chở hàng dẫn tới tổn thất tài chính nặng nề. Vừa phải đền hợp đồng lại mất mát tài sản trong khi nguồn tiền eo hẹp, công ty làm ăn sa sút dần. Cách đây 1 tháng, anh chủ động xin nghỉ việc khi nhận thấy doanh nghiệp khó bật dậy nổi trong ngắn hạn, thậm chí ngày một tệ hơn. Hiện tại anh nhận làm sổ sách, quyết toán thuế cho nhiều nơi chứ chưa tìm được công việc nào chính thức: "Thật khó để tìm nơi nào trả lương khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng cho kế toán trưởng như công ty cổ phần tôi từng làm".

Thống kê của một trang web giới thiệu việc làm trong một tháng gần đây, chỉ riêng TP HCM có khoảng 26 nhà tuyển dụng cần kế toán viên, trong đó 4 đầu việc kế toán trưởng. Tuy nhiên, nhu cầu tìm việc ở 2 vị trí này đến 80 hồ sơ. Đại diện trang web cho biết so với năm ngoái số lượng doanh nghiệp tuyển dường như không thay đổi. Các vị trí kế toán trưởng thường rất ít thay đổi do tính chất đặc thù của công việc này nên bất lợi đang nghiêng về phía người lao động, dù họ có chuyên môn cao.

Lãnh đạo một công ty chuyên cung cấp dịch vụ kế toán nói rằng công ty chỉ tuyển kế toán tổng hợp chứ không cần đến vị trí kế toán trưởng. Theo vị này, chức danh kế toán tổng hợp có chức năng, nhiệm vụ như kế toán trưởng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là kế toán trưởng đòi hỏi có chứng chỉ hành nghề và thường làm việc ở các công ty lớn. Vị này cho biết cứ làm sổ sách cho từ 10 đến 15 công ty, một kế toán tổng hợp có thể nhận được 6-7 triệu đồng mỗi tháng, nếu làm nhiều hơn sẽ nhận được thù lao cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc TT Hướng nghiệp - dạy nghề - giới thiệu việc làm Thanh Niên, kế toán trưởng có kinh nghiệm nhiều năm, sử dụng thành thạo phần mềm sẽ có lợi thế tìm việc trong thời buổi hiện nay. Mức lương từ 7 triệu đồng trở lên, tùy theo quy mô doanh nghiệp. Đây cũng là lý do mà ngành từng "hot" một thời dư thừa lao động và cảnh người người chen nhau học các lớp nghiệp vụ lấy chứng chỉ không còn rôm rả như trước. Ghi nhận ở một trung tâm đào tạo cấp chứng chỉ kế toán trưởng ở quận 3 cho thấy, số lượng người đăng ký học nghiệp vụ giảm nhiều so với năm ngoái.

Thống kê từ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, kế toán - kiểm toán luôn là ngành có số lượng tìm việc nhiều nhất trong các nhóm ngành nghề ở quý I năm nay. Nguồn cung nhân lực kế toán – kiểm toán 4.206 người lao động, trong lúc nhu cầu tuyển dụng chỉ 1.6824 người. Kết quả có được qua khảo sát 4.936 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên, với tổng số 50.349 chỗ việc làm trống và 21.957 người lao động có nhu cầu tìm việc. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc của trung tâm dự đoán, kế toán trưởng bị thất nghiệp có thể là do doanh nghiệp giải thể hay công ty hoạt động không hiệu quả. Tuy nhiên, tìm một công việc mới sẽ không khó đối với vị trí này, nếu họ chịu "hạ giá" một chút, đầu quân vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với mức lương khiêm tốn hơn.

Theo KT&ĐT, GĐ&XH