Hội thảo về hướng hoàn thiện BHXH tự nguyện

25/03/2013 08:50 AM


Sáng ngày 21/03/2013, Viện Khoa học Lao động & Xã hội, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Viện Han Seidel (thuộc Cộng hoà Liên bang Đức) tổ chức hội thảo Định hướng hoàn thiện chính sách BHXH tự nguyện phù hợp với lao động khu vực phi chính thức. Đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH đến dự và phát biểu tại hội thảo.


Tại hội thảo, nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học Lao động & Xã hội đã trình bày nghiên cứu về thực hiện chính sách BHXH tự nguyện và các đặc điểm của nhóm đối tượng thuộc khu vực lao động phi chính thức. Đây là nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động hiện nay (70%) và sinh sống chủ yếu sống tại khu vực nông thôn (33%). Khảo sát tại quận Thanh Xuân và huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho thấy khả năng tích luỹ tài chính, phòng ngừa rủi ro của lao động khu vực phi chính thức ở mức thấp, chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và ít có khả năng tham gia BHXH tự nguyện. Thu nhập bình quân là yếu tố tác động lớn đến xác suất tham gia BHXH tự nguyện nhóm đối tượng này. Theo đó thu nhập tăng thêm 1% sẽ làm tăng xác suất tham gia BHXH tự nguyện 0,43%. Tỷ lệ có nguyện vọng tham gia BHXH tự nguyện của nhóm này cũng tăng theo độ tuổi: 55% số người trên 40 tuổi khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn tham gia. Các hộ gia đình có thành viên tham gia BHXH bắt buộc cũng có tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện cao hơn. Có tới 2/3 đối tượng tham BHXH tự nguyện được chuyển từ diện BHXH bắt buộc.

Đánh giá quá trình thực hiện BHXH tự nguyện, nhóm tác giả khẳng định, sự ra đời của chính sách BHXH tự nguyện đã tạo điều kiện nhiều hơn cho người lao động được tham gia BHXH; giúp người lao động có thể duy trì việc đóng BHXH ngay cả khi không còn ở diện đóng BHXH bắt buộc. Mặc dù vậy, một số hạn chế trong việc thực hiện BHXH tự nguyện cũng được nêu rõ như: tỷ lệ đối tượng tham gia còn thấp, năm 2012 chỉ có hơn 139.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,3% tổng số người tham gia BHXH; mức hưởng theo chính sách hiện hành chưa hấp dẫn với người tham gia; công tác tuyên truyền còn hạn chế, 60% người tham gia BHXH tự nguyện là qua giới thiệu của người thân, đối tượng tiếp cận thông tin tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông không nhiều; chưa có cơ chế khuyến khích mở rộng phát triển đối tượng với cơ quan thực hiện chính sách BHXH tự nguyện…

Ông Axel Beubert, Trưởng đại diện văn phòng Viện Han Seidel tại Việt Nam cho biết thêm: không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia khác, nhất là các nước đang phát triển cũng gặp khó khăn tương tự trong việc phát triển BHXH tự nguyện với lao động khu vực phi chính thức. Để cải thiện tình hình này, cần xây dựng chiến lược thực hiện mang tính dài hạn; gắn mục tiêu thực hiện BHXH tự nguyện, cũng như các chính sách an sinh xã hội với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu tham gia đánh giá cao giá trị của công trình nghiên cứu. Tuy nhiên một số ý kiến cũng cho rằng cần xem xét, bổ sung một số vấn đề nhằm đảm bảo tính thực tiễn của công trình nghiên cứu. Cụ thể cần mở rộng số đối tượng và vùng khảo sát (nhóm tác giả chỉ khảo sát 210 đối tượng tại quận Thanh Xuân và huyện Đông Anh, Hà Nội); mức thu nhập làm căn cứ để xác định khả năng tham gia BHXH tự nguyện cũng cần xác định rõ hơn…

Tham dự và phát biểu tại hội thảo, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH cho rằng: qua công trình nghiên cứu, đã thấy được một số đặc điểm của nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức. Tuy nhiên cần xác định, khu biệt rõ hơn nữa nhóm các đối tượng có nhiều tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, từ đó có biện pháp thu hút, tuyên truyền mở rộng đối tượng một cách thích hợp; từng bước tạo chuyển biến trong lộ trình tăng bao phủ BHXH. Từ những kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo, đồng chí Thứ trưởng cũng cho rằng cần sớm rà soát lại những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong chính sách, trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Từ đó cần có những điểu chỉnh hợp lý, kịp thời; tạo nhiều ưu đãi hơn với các đối tượng tham gia, đặc biệt là nhóm đối tượng lao động thuộc khu vực phi chính thức.

Nguồn TC BHXH