90% người lao động không được tham gia vào quá trình thỏa ước lao động tập thể

22/03/2013 01:34 AM


Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở 20 tỉnh, TP thì có khoảng 90% người lao động không được tham gia vào quá trình thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể ngành dệt may có khoảng 120.000 lao động và chỉ có 40% biết đến thoả ước trên.


Ông Lê Đình Quảng, chuyên viên cao cấp, Vụ Chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết tỷ lệ doanh nghiệp có thỏa ước lao động tập thể khoảng 65%, trong đó 96,33% doanh nghiệp nhà nước có thoả ước; tỷ lệ ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 64,57%; doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần là 59,21%. Tuy nhiên, thỏa ước lao động tập thể tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, chủ yếu là sao chép lại các quy định trong Bộ luật Lao động nên không phù hợp với từng đặc điểm của doanh nghiệp. Quá trình thảo thoả ước lao động tập thể thì đều do người sử dụng lao động soạn thảo mang tính một chiều.

Theo khảo sát của VCCI ở 20 tỉnh thành thì có khoảng 90% người lao động không được tham gia vào quá trình thỏa ước. Cụ thể ngành dệt may có khoảng 120.000 lao động và chỉ có 40% biết đến thoả ước lao động tập thể. Vì vậy, nhiều chuyên gia đã thảo luận những biện pháp để tăng cường khả năng tiếp cận thông tin pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa tại nơi làm việc ở mọi thành phần kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, cho biết tuyên truyền tiếp cận thông tin cho người lao động phải dựa vào tổ chức công đoàn cơ đoàn cơ sở. Hiện 98,6% người lao động của công ty đã vào tổ chức công đoàn, số công nhân chưa vào công đoàn là những người lao động đang trong thời gian thử việc. Như vậy theo bà Liên vai trò của công đoàn rất lớn vì đó là cầu nối để đưa thông tin về pháp luật lao động cho công nhân.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hài Mỹ, nhấn mạnh người lao động có quyền trực tiếp đến bộ phận phụ trách về nhân sự, công đoàn hoặc có thể gửi thư góp ý hoặc gọi điện vào đường dây nóng của công ty để phản ánh vướng mắc, các nội dung nhận được từ người lao động được ghi lại bằng văn bản, các nội dung trả lời cũng được công khai đồng thời vấn đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của người lao động nhằm tạo sự yên tâm cho người lao động khi phản ánh vướng mắc…

Theo ĐCSVN