FDI “ngán” y tế

18/03/2013 09:28 AM


Việt Nam đang là một trong những quốc gia thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kể từ 2011 đến nay, mặc dù tỉ trọng tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước đó, FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng đối với quá trình phát triển của Việt Nam. Không những trước đây mà kể cả hiện thời, vẫn còn tình trạng "lệch pha” trong việc thu hút FDI. Mục tiêu của Việt Nam và đích đến của các nhà đầu tư nước ngoài còn có những khác biệt lớn, sau nhiều năm vẫn chưa gặp nhau.


Bất động sản, công nghiệp, ngân hàng… trở thành sự lựa chọn hàng đầu của đối tác nước ngoài khi sử dụng nguồn vốn FDI tại thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực nói trên với mục tiêu "gặt hái” lợi ích kép : lãi cao, thu hồi vốn nhanh. Trong khi đó có những lĩnh vực thiết yếu, phía Việt Nam tìm mọi cách mời chào nhưng đối tác nước ngoài luôn tỏ ra… lạnh nhạt. Y tế luôn đứng ở cuối bảng thu hút FDI bởi đối tác tỏ ra "ngán” đầu tư vào lĩnh vực này.

Nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực y tế bao gồm 2 mảng rất quan trọng: bệnh viện (hoặc phòng khám) và sản xuất dược phẩm. Cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn FDI "chảy” vào lĩnh vực y tế chỉ đạt ở mức vô cùng thấp. Cả nước hiện có hơn 1.070 bệnh viện , trong đó loại hình bệnh viện tư nhân mới chỉ có 137 cơ sở. Từ 2003 đến nay, trong 10 năm liên tục, chỉ có vỏn vẹn 6 bệnh viện tư nhân sử dụng 100% nguồn vốn FDI với tổng số chưa được 95 triệu USD. Kể cả tham gia góp vốn (với tỉ lệ không cao) toàn ngành y tế mới có 10 bệnh viện và 66 phòng khám có phần vốn đóng góp từ nguồn FDI. Nhìn sang một số lĩnh vực khác mới thấy sự "lệch pha” khủng khiếp. Có những dự án sản xuất thép, tổng vốn đăng kí đầu tư FDI lên đến hơn 1 tỉ USD. Ở đâu có đại dự án sản xuất thép, cho dù tạo ra nhiều việc làm, ở đó đi liền ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiêu tốn nhiều điện năng trong khi Việt Nam chưa ra khỏi tình trạng "đói” điện trong khi số lượng bệnh viện (kể cả phòng khám) còn quá ít, tình trạng một giường bệnh chứa nhiều người kéo dài năm này qua năm khác. Đầu tư cho y tế đang là đòi hỏi bức thiết, vậy mà đối tác nước ngoài lại "ngán” lĩnh vực này trong khi mỗi năm Việt Nam phải chi ra hơn 1 tỉ USD để nhập khẩu dược phẩm.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thu hút FDI vào lĩnh vực y tế?

Theo Báo Đại Đoàn kết