Quản lý giá thuốc theo cách mới hết thời mua bán lòng vòng?

14/03/2013 09:41 AM


Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định đã tìm ra "thuốc đặc trị" hành vi tăng giá thuốc do mua bán lòng vòng và đấu thầu mỗi nơi một giá. Theo đó, nhiều đơn vị sẽ áp dụng thí điểm quản lý giá thuốc bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng và công bố giá phổ biến cũng như kết quả đấu thầu lên mạng.


Mỗi nơi một giá

TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược cho rằng, hiện hệ thống văn bản pháp luật quản lý về ngành đang dần hoàn thiện. Trong đó, Thông tư 01/2012 đã sửa đổi được những bất cập trước đó, nhưng khi áp dụng, nhiều địa phương vẫn gặp vướng mắc. Lãnh đạo nhiều bệnh viện (BV) cho biết, đến nay, vẫn chưa tham khảo được hết danh mục các cơ sở sản xuất - kinh doanh thuốc trong nước đạt chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), hay hệ thống các nhà phân phối thì không thể có căn cứ để chấm điểm đấu thầu. Ngoài ra, nhiều loại thuốc độc quyền, nhượng quyền, sinh phẩm vaccine... vẫn chưa có thông tin để tham khảo giá cũng như chất lượng.

Theo khảo sát của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, 5 loại nhóm hoạt chất Cefoperazol + Sulbactam, Ceftriazon, Levofloxiacin, Cefuroxim và Methyl prednisolon, dù cùng một loại thuốc, cùng hàm lượng nhưng có giá chênh lệch vài %, thậm chí 2 - 3 lần so với mức trúng thầu thấp nhất. Cụ thể, thuốc Midapezon 1g (hoạt chất Cefoperazol + Sulbactam) do Việt Nam sản xuất có giá trúng thầu thấp nhất 28.770 đồng/lọ và cao nhất là 64.995 đồng/lọ. Cũng hoạt chất này nhưng thuốc Amzone Inj (Pakistan) giá thấp nhất 31.000 đồng/lọ, cao nhất lên tới 71.000 đồng/lọ; thuốc MGP Axinex-1000 (Việt Nam): 28.000 - 76.000 đồng/lọ; thuốc Samaxon 1g (Ấn Độ): 17.850 - 47.250 đồng/hộp…

Nguyên nhân là do cơ sở y tế tự đấu thầu thuốc nên cùng loại thuốc, cùng hãng sản xuất, nhưng mỗi BV lại trúng thầu một giá. Theo ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, BHXH Việt Nam, chính vì sự lộn xộn về giá thuốc trúng thầu nên đầu năm 2013, BHXH đã ban hành giá phổ biến của 5 hoạt chất nêu trên, tương đương với gần 300 tên thuốc. Đây đều là những thuốc có tần suất và số lượng sử dụng, thanh toán Bảo hiểm y tế (BHYT) lớn trong các cơ sở y tế. "Chỉ tính riêng 5 hoạt chất này, tiền thuốc BHYT chi trả tại nhiều cơ sở đã chiếm tới 20%" - ông Hiển cho biết.

Minh bạch giá thuốc

Thặng số bán buôn tối đa toàn chặng được tính bao gồm các chi phí và lãi tối đa cho toàn bộ giai đoạn từ nhập khẩu tới bán buôn, quy định về mức chênh lệch tối đa được phép của giá bán buôn thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước so với giá trị gốc của thuốc.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng Quản lý thuốc, BHXH Việt Nam cho biết, BHXH sẽ minh bạch trong thông tin về giá thuốc bằng cách đưa toàn bộ giá trúng thầu lên mạng và công bố giá phổ biến để các địa phương có cơ sở để so sánh. Đây là công cụ nhằm rút ngắn khoảng cách chênh nhau giữa các loại thuốc đấu thầu.

Ngoài ra, từ 1/4 tới, Bộ Y tế sẽ thí điểm quản lý giá bằng phương pháp thặng số bán buôn tối đa toàn chặng đối với các loại thuốc do Ngân sách Nhà nước và BHYT chi trả tại 9 đơn vị trong cả nước. Theo đó, mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu của mặt hàng thuốc chứa hoạt chất được áp dụng thí điểm so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó không được vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định.Ông Cường cho biết, trong trường hợp mặt hàng thuốc xét đề nghị trúng thầu (mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất) theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BYT-BTC có mức chênh lệch giữa giá đề nghị trúng thầu so với giá trị gốc tính thặng số của mặt hàng thuốc đó vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng thì Thủ trưởng đơn vị được tiến hành thí điểm phải đàm phán với nhà thầu có mức giá thấp nhất để mức chênh lệch này không vượt mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng theo quy định. Trong trường hợp việc đàm phán giá không đi đến thống nhất, nhưng mặt hàng thuốc vẫn cần thiết cho nhu cầu sử dụng của đơn vị, Thủ trưởng đơn vị báo cáo Bộ Y tế để xem xét, giải quyết trên nguyên tắc bảo đảm cung ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Lãnh đạo các BV cũng như Bộ Y tế kỳ vọng, những quy định mới này sẽ khắc phục được tình trạng mua bán lòng vòng qua các tầng nấc trung gian, nhiều chi phí ngầm để đẩy giá lên cao như từ trước đến nay.

Theo KT&ĐT