Hội thảo tham vấn “Tăng cường an sinh xã hội ở Việt Nam”

19/08/2013 09:30 AM


Sáng ngày 15/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) và Viện nghiên cứu Y-Xã hội học (IMS) phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường an sinh xã hội ở Việt Nam”.


Tại Hội thảo PGS TS.Giang Thang Long, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của ISMS đã trình bày báo cáo nghiên cứu về “An sinh xã hội cho người di cư ở Việt Nam: Thực tế và những vấn đề chính sách”. Trong đó, đã phân tích sâu về quyền và mức độ tiếp cận của người di cư, đặc biệt là di cư nông thôn-thành thị, đến các chương trình an sinh xã hội ViệtNam. 94% người di cư nông thôn ra thành thị làm việc ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động, đa số họ làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, có nhu cầu cao được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cuộc sống, nhưng trên thực tế họ không đủ điều kiện được tham gia BHXH, BHYT… Mặt khác, các chính sách và chương trình trợ cấp thường được tiến hành cho các đối tượng được coi là người sống trong hộ gia đình nghèo theo chuẩn nghèo mà bộ LĐ-TB&XH đưa ra. Mặc dù nhiều người di cư nông thôn ra thành thị là những người nghèo thực sự, nhưng họ lại không được coi là người nghèo ở khu vực đô thị và vì thế họ không được hưởng bất kỳ chương trình trợ giúp xã hội nào.

Báo cáo cho rằng cần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội có tính bao phủ đến cả người di cư nông thôn – thành thị bằng cách tiếp cận sàn an sinh xã hội là bước thích hợp vì đây là tiếp cận tính đến người dân và bảo vệ họ ở những mức độ khác nhau trong điều kiện kinh tế -xã hội và sức khỏe khác nhau…

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, đóng góp ý kiến để nhóm nghiên cứu hoàn thiện bản báo cáo. Trong đó, TS.Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH đã phân tích sâu về những rào cản tiếp cận BHXH, BHYT của người lao động di cư như việc quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên mới được tham gia BHXH đã làm hạn chế cơ hội tham gia của người lao động, chính sách BHXH tựu nguyện mức đóng hàng tháng còn cao so với thu nhập chung của người lao động không có quan hệ lao động, tự tạo việc làm; mức hưởng chế độ BHXH tự nguyện có sự chênh lệch đối với người tham gia BHXH bắt buộc. Công tác thông tin, tuyên truyền chế độ chính sách BHXH, BHYT chưa đầy đủ, nhất là chính sách BHXH, BHYT tự nguyện dẫn đến người lao động thiếu thông tin… Các đại biểu đã đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện chính sách an sinh xã hội cho người di cư như cần phân thích rõ về nhu cầu, khó khăn và khả năng của lao động di cư liên quan đến tiếp cận BHXH, BHYT; ban hành các chính sách khuyến khích người nông dân và lao động phi chính thức tham gia các chương trình BHXH, BHYT tự nguyện; cần có các biện pháp mạnh hơn đối với doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ luật và các quy định về BHXH, BHYT; mở rộng phạm vi bao phủ BHXH bắt buộc sang các đối tượng có hợp đồng lao động dưới 3 tháng.

Nguồn TC BHXH