Phòng khám Bác sĩ gia đình đang dần thu hút bệnh nhân

30/12/2013 02:29 AM


Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là một trong những đề án nhằm giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện (BV) tuyến trên được ngành y tế TPHCM triển khai từ hơn 1 năm qua. Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã có 5 BV quận (2, 8, 10, Bình Tân, Gò Vấp) có phòng khám BSGĐ, trong đó BV quận 2 và BV quận 10 được bệnh nhân tìm đến ngày càng đông…


Bệnh nhân đến khám tại phòng khám bác sĩ gia đình của BV quận 10. Ảnh: MAI HẢI

Tăng lên từng ngày

Đi vào hoạt động từ tháng 10-2012, phòng khám BSGĐ của 2 BV trên đều bắt đầu với 2 bàn khám bệnh. Về nguồn nhân lực, BV quận 2 liên kết Đại học Y Dược TPHCM thành lập Trung tâm đào tạo BSGĐ, còn BV quận 10 phối hợp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Với mô hình BSGĐ, mục tiêu quan trọng được ngành y tế đặt ra là khám, điều trị và quản lý sức khỏe từng người dân một cách hệ thống, toàn diện và liên tục; tư vấn chăm sóc sức khỏe và dự phòng bệnh tật cho từng cá nhân và cộng đồng. Sử dụng dịch vụ BSGĐ, bệnh nhân vẫn được hưởng bảo hiểm y tế, chỉ thanh toán thêm phí khám bệnh và tư vấn với mức giá tùy theo từng BV quy định, nhưng không quá 60.000 đồng/lần.

Thời gian đầu, lượng bệnh nhân rất ít, nhưng chỉ sau thời gian ngắn, tiếng lành đồn xa, số người bệnh tìm đến phòng khám BSGĐ tăng nhanh: hơn 60 ca/ngày ở quận 2 và 300 ca/ngày ở quận 10! Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc BV quận 10, cho biết: “Trước đây, bình quân mỗi ngày BV tiếp nhận điều trị ngoại trú khoảng 1.000 - 1.200 lượt bệnh nhân. Từ khi có phòng khám BSGĐ, số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày, 1.300 - 1.500 và thậm chí có ngày lên đến 1.700 người bệnh. Chúng tôi phải “nở nồi” lên 6 bàn khám, sắp xếp lại khu hành chánh để ưu tiên cho hoạt động của phòng khám BSGĐ, đáp ứng nhu cầu của người dân”. Còn ở BV quận 2 tổ chức khám ngoài giờ (hoạt động đến 19 giờ) để phục vụ lượng bệnh nhân là học sinh, công nhân, cán bộ viên chức và sắp xếp tăng thêm 2 bàn khám nhằm giảm tình trạng “quá tải”, không để người bệnh phải chờ đợi lâu. Điều gì đã tạo ra sức hút này?

Chất lượng - nhanh chóng - tiện ích

“Làm cách nào để thu hút người bệnh tìm đến với mình và quay trở lại?”, đó là trăn trở chung của lãnh đạo 2 BV khi bắt tay vào thực hiện phòng khám BSGĐ. Có 2 yếu tố để làm được điều đó. Đầu tiên, tạo được sự thuận tiện và thoải mái cho người bệnh. Sau đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ là yếu tố quyết định để giữ chân thân chủ. Tại BV quận 10, khu phòng khám BSGĐ được bố trí với quy trình khép kín, từ khâu tiếp nhận đến xét nghiệm, trả kết quả, khám bệnh, đóng viện phí, nhận thuốc… giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái và tiết kiệm sức lực lẫn thời gian di chuyển. Người dân đăng ký lịch khám cụ thể đến từng giờ để tránh khỏi phải chờ đợi và phòng khám cũng thuận lợi sắp xếp được số lượng bệnh nhân, đảm bảo mỗi ca bệnh được khám và tư vấn với thời gian tối thiểu 15 phút. Phòng khám BSGĐ của BV quận 2 được thiết kế thân thiện, tạo không gian gần gũi, mang đến sự an tâm cho người bệnh và thân nhân. Cả 2 phòng khám đều làm việc cả ngày thứ bảy và làm ngoài giờ - 19 giờ (quận 2) và 18 giờ (quận 10).

Mô hình BSGĐ cũng giúp bệnh nhân được quyền chọn lựa bác sĩ điều trị, từ đó tạo nền tảng để xây dựng mối quan hệ giữa 2 bên. Bệnh nhân có nhiều thời gian để nói về cuộc sống sinh hoạt, thói quen ăn uống, những lo lắng bất thường của sức khỏe… Hiện với hồ sơ bệnh án điện tử được cập nhật thường xuyên và đầy đủ, bác sĩ sẽ nắm thông tin xuyên suốt, toàn diện, tránh được những sai sót do khách quan hoặc chủ quan, nâng cao hiệu quả của công tác điều trị.

Bước đi đúng hướng

Tuy thời gian hoạt động chỉ mới hơn 1 năm nhưng thực tế cho thấy ở cả 2 BV, người dân đã tin tưởng vào chất lượng hoạt động của mô hình BSGĐ. Phòng khám BSGĐ của BV quận 10 hiện quản lý hơn 11.000 bệnh nhân (chủ yếu mang các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm dạ dày, viêm thoái khớp…) và trung bình 1 bệnh nhân quay lại phòng khám 6 lần/năm. Tại BV quận 2, trong hai tháng 8 và 9-2013, số bệnh nhân tới phòng khám BSGĐ giảm đột ngột hơn 400 lượt/tháng và sau đó mới tăng trở lại. Nguyên nhân rất thú vị: do một số bác sĩ đi công tác hoặc phải học tập trung nên thân chủ không đến khám mà chờ tới khi bác sĩ mà mình đã chọn quay trở lại làm việc.

Hiệu quả của mô hình BSGĐ cũng có “nguy cơ” quá tải trong tương lai gần. Chính vì thế, lãnh đạo 2 BV đều đang gấp rút nâng số lượng bàn khám và triển khai BSGĐ tại các trạm y tế phường. Theo cơ chế phối hợp của ngành y tế thành phố quy định, tại phòng khám BSGĐ, bệnh nhân được khám, tư vấn và điều trị, nếu cần thiết sẽ được BSGĐ chuyển lên BV tuyến trên có chức năng và chuyên khoa sâu hơn. BV tuyến trên có nhiệm vụ phản hồi thông tin điều trị của bệnh nhân để BSGĐ cập nhật vào hồ sơ bệnh án điện tử. Như vậy, mỗi bệnh nhân được quản lý tại BSGĐ sẽ được theo dõi một cách toàn diện, liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật. Những trường hợp mắc bệnh mãn tính đã có phác đồ điều trị, những người bệnh nhẹ sẽ được chăm sóc, điều trị tại phòng khám BSGĐ, không phải vất vả đến những bệnh viện quá tải chầu chực, chờ đợi hàng giờ để chỉ được khám một vài phút như hiện nay.

Theo Báo SGGP