Giảm chi phí cho lao động đi làm việc tại Đài Loan

08/02/2014 03:54 AM


Từ 1/2/2014, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải giảm chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) xuống mức hợp lý.


Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: molisa.gov.vn

Theo tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2013 là 88.155 người, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 46.368 lao động.

Để tiếp tục phát triển và ổn định thị trường truyền thống nhiều tiềm năng này, Bộ LĐTBXH vừa có văn bản số 5251/LĐTBXH-QLLĐNN yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải giảm chi phí của người lao động đi làm việc tại Đài Loan xuống mức hợp lý từ ngày 1/2.

Cụ thể, tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4.000 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 1.500 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già (hộ lý, y tá, điều dưỡng, chăm sóc người bệnh) tại Đài Loan không vượt quá 3.300 USD/người/hợp đồng 3 năm, trong đó tiền môi giới tối đa không quá 800 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Doanh nghiệp có thể thỏa thuận với người lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng không quá 1.000 USD theo Thông tư số 21/2013/TT-BLĐTBXH quy định mức trần tiền ký quỹ và thị trường lao động mà doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận ký quỹ với người lao động.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, từ trước tới nay Đài Loan luôn là thị trường tiếp nhận số lượng lao động Việt Nam sang làm việc lớn nhất. Tuy nhiên, chi phí đi làm việc tại thị trường này những năm gần đây rất cao, nhất là khi chưa có các quy định cụ thể nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng thu phí chênh lệch lớn.

Bộ LĐTBXH cũng yêu cầu các doanh nghiệp kiểm soát chi phí người lao động phải nộp để đi làm việc tại Đài Loan. Doanh nghiệp phải thu tiền trực tiếp của người lao động và cung cấp cho người lao động hóa đơn, chứng từ có ghi đầy đủ các chi phí mua vé máy bay, khám sức khỏe, làm visa, đồng phục, hồ sơ… để đi làm việc tại Đài Loan.

Đặc biệt, doanh nghiệp phải kiểm soát và chịu trách nhiệm về chi phí của người lao động, không để các tổ chức, cá nhân là trung gian, môi giới giới thiệu người lao động đến doanh nghiệp thu tiền trái quy định.

Nếu người lao động hoặc gia đình người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan sau ngày 1/2/2014 có văn bản phản ánh với các cơ quan chức năng về chi phí của người lao động phải nộp trước khi đi cao hơn quy định nêu trên thì doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng hoạt động đưa người lao động đi Đài Loan trong 30 ngày hoặc lâu hơn đến khi giải quyết dứt điểm vụ việc.

Doanh nghiệp Đài Loan hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sai phạm cũng sẽ bị tạm dừng xác nhận hồ sơ tiếp nhận lao động Việt Nam kể từ ngày được cơ quan chức năng thông báo.

Trường hợp phát hiện doanh nghiệp thu phí cao hơn quy định, thu tiền thông qua trung gian môi giới, thu tiền nhưng không cung cấp hóa đơn, chứng từ theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp bị xử phạt hành chính và xem xét dừng việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Đài Loan trong thời hạn từ 6-12 tháng theo quy định.

Theo Chinhphu.vn