Những người nợ với… chính mình - Bài 3: Nợ đọng BHXH- NLĐ thiệt đơn, thiệt kép

25/02/2014 08:58 AM


BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập đối với NLĐ khi họ gặp rủi ro... Các chế độ: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... đều trông vào nguồn BHXH. Vậy nhưng hiện nay rất nhiều cơ quan, đơn vị, DN chây ỳ không đóng BHXH khiến NLĐ gặp khó khăn khi chuyển công tác vì không chốt được sổ BH, những người đã hết tuổi LĐ thì có thể bị chậm lương hưu hoặc mất lương do nguy cơ vỡ quỹ lương hưu...


Hiện cả nước chỉ có 1/5 tổng số lao động được đóng BHXH

1/5 số NLĐ được đóng BH

Theo Tổng cục Thống kê, dân số cả nước ước tính khoảng 90 triệu người, trong đó dân thành thị khoảng 30 triệu người, số còn lại ở khu vực nông thôn. Lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên xấp xỉ có 53 triệu người, LĐ nữ chiếm 48,7% và nam chiếm 51,3%. Trong đó số LĐ đang có việc làm là gần 52 triệu người.

BHXH VN cho biết: Hiện cả nước có 10,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 135.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy là mới chỉ có 1/5 tổng số LĐ được đóng BHXH. Việc mới có 1/5 tổng số người ở độ tuổi LĐ được đóng BHXH có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là các DN tư nhân trốn đóng BHXH cho NLĐ; nông dân, LĐ tự do không tham gia BH tự nguyện...

Chây ỳ không đóng BH cho NLĐ

Theo BHXH VN, hiện tình hình nợ tiền đóng BHXH của NLĐ vẫn thường xuyên xảy ra. Thống kê cho thấy, tính tới nay số tiền nợ đọng BHXH của 63 tỉnh thành là hơn 8.100 tỷ đồng. Nguyên nhân nợ đọng BHXH, BHYT là do một số DN cố tình chậm đóng, chây ỳ không đóng BHXH cho NLĐ. Điển hình là các địa phương: An Giang, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ... Nợ đọng BHXH và BHYT có nhiều thành phần nhưng tập trung chủ yếu ở các DN tư nhân, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi NLĐ.

Đỉnh điểm là đã có một số tỉnh, thành phố phải kiện các cơ quan, đơn vị, DN ra tòa vì nợ đọng BHXH của NLĐ. Mới đây, BHXH Hà Nội đã hoàn thiện thủ tục khởi kiện hơn 10 đơn vị chây ỳ đóng BHXH và BHYT cho NLĐ. Đây là những đơn vị nợ BHXH, BHYT trên 12 tháng, trong đó có những đơn vị sản xuất kinh doanh có lãi nhưng vẫn cố tình chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm của mình với NLĐ. Điển hình là Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment nợ 8,6 tỷ đồng, tiếp đến là Công ty CP Cầu 5 Thăng Long nợ 36 tháng với số tiền trên 6,3 tỷ đồng... Bên cạnh những cơ quan, DN làm ăn có lãi nhưng vẫn cố tình chây ỳ không đóng BHXH và BHYT cho NLĐ, cũng còn một số đơn vị chậm đóng BHXH và BHYT, đóng chưa đúng với quy định gây khó khăn cho việc giải quyết chế độ, chính sách, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ.

Theo BHXH VN, trong số những cơ quan, DN chây ỳ hoặc chậm nộp BHXH và BHYT cho NLĐ, có những đơn vị khó khăn thực sự, nhưng cũng có nhiều đơn vị chủ sử dụng LĐ còn cố tình lách luật, chiếm dụng tiền BHXH. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng TP Hà Nội đã có khoảng 1.000 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, có gần 200 đơn vị nợ từ 1 tỷ đồng với thời gian kéo dài từ 24 tháng trở lên.


Đã có một số tỉnh, thành phố phải kiện các cơ quan, đơn vị, DN ra tòa vì nợ đọng BHXH của NLĐ

"Trăm dâu đổ đầu tằm”

Nhiều NLĐ đã phải khốn đốn chạy đôn chạy đáo mỗi khi phải chuyển công tác, nguyên nhân là do cơ quan, đơn vị, DN của họ không đóng, hoặc chậm đóng BH nên không thể chốt sổ BHXH. Chị Nguyễn Thị Phượng (nhân viên một cơ quan sự nghiệp trên địa bàn Hà Nội) cho biết: Khi chuyển đến cơ quan mới, chị không thể hoàn tất hồ sơ thủ tục vì thiếu sổ BHXH. Đến cơ quan BHXH thì được trả lời không thể chốt sổ BHXH được vì cơ quan chị từ nhiều năm nay không đóng BHXH cho NLĐ. "Đúng là dở khóc dở cười anh ạ. Chạy đi chạy lại như con thoi giữa cơ quan cũ và BHXH quận mà không chốt được sổ, em định bỏ luôn...” - chị Phượng tâm sự.

Còn chị Vương Thị Lan thì sinh con đã hơn 1 năm mà vẫn chưa thể thanh toán tiền thai sản do cơ quan chưa đóng BHXH. Chị Lan chia sẻ: "Thực ra số tiền thai sản cũng có đáng là bao đâu anh, nếu hoàn cảnh không quẫn bách, chồng em có việc làm ổn định thì cũng đâu phải trông ngóng vào nó. Mình hưởng chế độ mà cứ như là đi xin, nghĩ mà tủi quá anh ạ...”. Trường hợp như chị Phượng, chị Lan không phải là hiếm. Rất nhiều NLĐ đã phải chấp nhận bỏ phí quãng vài năm đóng BHXH tại cơ quan cũ khi chuyển sang cơ quan mới, bởi không thể chốt sổ BHXH.

Theo quy định lộ trình về cách tính lương hưu là NLĐ phải đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới được tính bằng 45%, sau đó mỗi năm tính thêm 2% với nam, 3% với nữ. Để đạt tỷ lệ tối đa 75% thì nam phải đóng BHXH đủ 35 năm và nữ đóng 30 năm, nhằm đảm bảo mức lương hưu không giảm nhiều so với thu nhập khi còn đang làm việc, đảm bảo mức sống của người được nghỉ hưu tốt hơn. Do nhiều NLĐ phải bỏ quãng đóng BHXH nên khi cộng lại sẽ không đủ năm để thực hiện chế độ chi trả lương hưu, dẫn đến bị thiệt thòi lớn.

Theo BHXH VN, mỗi năm có trên 600.000 người được hưởng chế độ BHXH một lần và gần 5 triệu người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản; trên 150.000 người được giải quyết hưởng các chế độ hưu trí và BHXH hàng tháng. Tuy nhiên, việc nhiều cơ quan, đơn vị, DN chậm nộp hoặc chây ỳ không đóng BHXH và BHYT của chủ sử dụng LĐ không chỉ gây khó khăn cho NLĐ trong quá trình ốm đau, thai sản, chuyển công tác, mà nó còn khiến dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Nếu việc này xảy ra thì quả là thảm họa bởi NLĐ đã phải đóng đủ 20 - 35 năm BHXH sẽ không được lĩnh lương hưu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của mình.

Nguồn: daidoanket.vn