Hội thảo chuyên đề về BHYT

30/09/2013 08:10 AM


Ngày 20/09/2013, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về BHYT. Tới dự và chỉ đạo Hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên; tham dự có đại diện Bộ Y tế, Bộ Tài chính và đông đảo các chuyên gia trong nước…


Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 nhận định: sau gần 04 năm thực hiện Luật BHYT, Việt Nam đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng về BHYT, khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn, nhất quán của Đảng, Nhà nước về chính sách BHYT. Việt Nam đang từng bước tiếp cận mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm chính sách An sinh xã hội, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Chính sách BHYT Việt Nam đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT, nhưng đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Đến cuối năm 2012, gần 70% dân số cả nước đã tham gia BHYT, với phần đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động và người dân chiếm khoảng 58% trong tổng số thu BHYT, tạo nền móng quan trọng để tiến tới BHYT toàn dân. Nhiều tỉnh miền núi và Tây Nguyên gần hoàn thành việc thực hiện BHYT toàn dân (85-100%). Tuy vậy, để tiến tới BHYT toàn dân và đạt mục tiêu xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, Việt Nam phải vượt qua một số tồn tại như vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, 04 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 50%. Nhiều tỉnh có quỹ BHYT kết dư, nhưng bên cạnh đó lại có một số địa phương liên tục bội chi quỹ BHYT. Một số nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia BHYT thấp (chỉ khoảng 20%-30%), chủ yếu người ốm mới tham gia BHYT nhưng chưa có giải pháp khắc phục kịp thời; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến dưới chưa đáp ứng yêu cầu do hạn chế về nhân lực chuyên môn và kỹ thuật y tế, qua đó gây quá tải, chờ đợi lâu trong khám, chữa bệnh BHYT ở các bệnh viện tuyến trên… các hình thức lạm dụng quỹ BHYT, nhất là tại các bệnh viện ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và phát hiện...

Dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT lần này sẽ đem lại nhiều quyền lợi cho người tham gia BHYT: tăng mức hưởng BHYT cho một số nhóm đối tượng (thân nhân người có công, người thuộc hội gia đình cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…); tăng số đối tượng được ngân sách hỗ trợ tham gia BHYT (do Nhà nước thực hiện, từng bước chuyển dần từ cấp kinh phí cho bệnh viện sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT); tăng các dịch vụ khám, chữa bệnh được hưởng BHYT. Những sửa đổi này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng bảo toàn quỹ BHYT.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận, góp ý về báo cáo kết quả nghiên cứu về BHYT; kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giai đoạn 2009-2012; giới thiệu những nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; dự thảo tác động tài chính đối với 01 số chính sách mới được quy định trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung 01 số điều của Luật BHYT. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tại Hội thảo quan tâm là có nên quy định bắt buộc tham gia BHYT hay không? Chính sách BHYT được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm cho mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ y tế tối thiểu, mang lại lợi ích cho người dân, vì sức khỏe của mỗi người dân và bảo vệ sức khỏe của cả cộng đồng, bảo đảm tính nhân văn của Luật. Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, chỉ có áp dụng nguyên tắc bắt buộc thì mới thực hiện thành công BHYT toàn dân.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh: Để chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT, có 02 vấn đề quan trọng đặt ra là đề xuất thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân và tính toán, dự báo cơ chế tài chính đề ra phương hướng thực hiện. Đối với đồng chi trả, đồng chí đề nghị: thời gian tới Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam tính toán chi phí mỗi ca bệnh từ đó đưa ra giải pháp cụ thể báo cáo trước Quốc hội. Chiến lược phát triển chính sách BHYT nhằm thay đổi cơ chế tài chính, giảm quá tải tại các cơ sở khám, chữa bệnh; giải quyết tình trạng chuyển tuyến là những vấn đề cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả sớm./.

Nguồn TC BHXH