20% công nhân đang phải nhịn ăn 1 bữa/ngày

26/09/2013 01:10 AM


Theo khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn, hiện nay mức sống của người lao động rất thấp. Mức lương tối thiểu (vùng I: 2,35, II: 2,1, III: 1,8, IV: 1,65) không đủ sống trong điều kiện giá cả các mặt hàng, điện nước, nhà trọ... đều tăng.


Hiện nay, kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp ngày càng èo uột. Thậm chí ở một số nơi, chủ đầu tư là người nước ngoài nợ lương công nhân nhiều tháng liền, sau đó bỏ trốn về nước. Công nhân chỉ còn biết kêu trời. Chị Nguyễn Thị Lành (27 tuổi), làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh tâm sự, chị quê ở Thanh Hóa, vì không tìm được việc ở quê nên đành lặn lội ra tận nơi đây tìm việc. Ra ngoài này, xin việc ở nhiều nơi không được, cuối cùng chị đành vào làm công nhân cho một công ty với mức thu nhập 2,7 triệu đồng/tháng. Chị ở cùng một công nhân khác để chia bớt gánh nặng tiền nhà mà mỗi tháng vẫn mất hơn 800.000 đồng. Với số tiền hơn 1 triệu đồng còn lại, chị phải tằn tiện lắm mới đủ ăn, uống. Chị hy vọng đi làm sẽ kiếm ra tiền để gửi về quê cho bố mẹ nuôi các em ăn học nhưng với số tiền lương ít ỏi này, mấy tháng liền chị vẫn không dư ra được đồng nào gửi về quê.

Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn tương tự như chị Lành. Theo báo cáo từ cuộc khảo sát của viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tại 68 doanh nghiệp với gần 2.000 phiếu điều tra, cho thấy mức lương tối thiểu hiện nay là thấp. Thu nhập của người lao động ở Hà Nội chỉ đáp ứng 54% - 62% mức số tối thiểu tùy theo vùng. Công nhân chỉ dám tiêu cho việc ăn uống 27% thu nhập, tương ứng khoảng 700.000 đồng/tháng. Có đến 20% công nhân bỏ ăn ít nhất 1 bữa/ngày, trong đó, chủ yếu là bữa sáng. Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động tham gia khảo sát đạt 3,667 triệu đồng/người/tháng. Dựa vào phương pháp xác định mức sống tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu của người lao động trên địa bàn khảo sát, mức sống tối thiểu chung năm 2013 và kết quả khảo sát, viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, lương của người lao động đang không thể đủ sống. Còn đại diện của viện Dinh dưỡng Việt Nam, bà Đặng Thị Nhung cho rằng, bữa ăn của công nhân hiện nay kém chất lượng. Bà dẫn lại nghiên cứu khẩu phần ăn dành cho công nhân mà cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) vừa công bố. Và, bà cũng cho biết, hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng ở người lao động trong doanh nghiệp là 80% tai nạn thường xảy ra trước bữa ăn... do bị đói.

Tăng lương- Tạo áp lực cho DN?

Từ cuộc khảo sát về mức sống của công nhân, trong cuộc Hội thảo mức sống tối thiểu của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2014 tới Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Theo phương án một, mức lương tối thiểu năm 2014 sẽ được điều chỉnh tăng thêm so với năm 2013 từ 400.000 - 850.000 đồng (khoảng 24-36%) và đáp ứng 77-84% so với nhu vầu mức sống tối thiểu của người lao động. Phương án hai, mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu tăng ít hơn, từ 350.000 - 750.000 đồng (21-32%), đáp ứng khoảng 75-82% nhu cầu sống tối thiểu.

Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho hay: Sở dĩ Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất hai phương án tăng lương là do hiện nay đời sống của người lao động rất khó khăn. Hầu như toàn bộ tiền lương, thu nhập của họ chi hết cho cuộc sống thiết yếu, không còn tích lũy. Phía tổ chức Người sử dụng lao động lại muốn kéo dài lộ trình tăng lương tối thiểu. Họ nêu lý do, kinh doanh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, với phương án của bên tổ chức Người sử dụng lao động thì trong bối cảnh hiện nay, giá cả đều tăng cao người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: "Với số tiền thu nhập của công nhân hiện nay thì cho thấy mức sống của người công nhân đang rất thấp. Những con số trước đây tổng kết, được công bố còn cho kết quả xấu hơn nữa. Con số ấy cho thấy đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là rất cần thiết để cải thiện mức sống của người công nhân. Đương nhiên, nó sẽ gặp phải sự phản đối của các doanh nghiệp khi mà họ luôn muốn giảm chi tiêu, thậm chí nơi còn chậm trả lương công nhân. Vì thế, trong trường hợp này cần phải có người trung gian ở giữa để hài hòa lợi ích của công nhân và doanh nghiệp".

Nói về mức tăng theo hai phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng: Đứng ở góc độ người lao động thì đề xuất trên là hợp lý nhưng đứng về góc độ doanh nghiệp thì sẽ tạo áp lực. Tăng đến khoảng 30% thì có lẽ hơi cao bởi mức tính lương còn dựa trên năng suất lao động, sự cạnh tranh, sức chịu đựng của doanh nghiệp.... Hiện, năng suất lao động của chúng ta còn chưa cao bằng nhiều nước. Ví như năng suất lao động của ta chỉ bằng 60% trung bình lao động khu vực. Vì thế, có lẽ người lao động cũng cần nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng lương lên cao hơn nữa".

Theo NLĐO