Lương khủng vì người lao động bị xén chế độ BHXH, BHYT

16/09/2013 03:54 AM


Hơn 1.000 lao động bị xén các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi khác.


Trong bốn doanh nghiệp (DN) công ích bị UBND TP.HCM yêu cầu phải thu phần lương chi cho lãnh đạo sai quy định, nhiều người thắc mắc: Phần lương khủng lấy từ đâu ra? Theo một chuyên gia về lao động tiền lương, trong phần lương khủng của lãnh đạo các công ty công ích có phần bớt xén các chế độ của người lao động khi không ký hợp đồng không thời hạn với những người đủ điều kiện.

Bị mất các chế độ an sinh xã hội

Theo kết luận ngày 26-8 của UBND TP, số công nhân trong bốn DN công ích phải được khôi phục quyền lợi là 1.079 người. Theo đó, các DN này phải khôi phục quyền lợi cho số người trên gồm BHXH và các quyền lợi khác; đền bù những thiệt hại do áp dụng các chế độ bất bình đẳng giữa những người lao động trong công ty.

Trong số lao động trên, dù họ làm việc lâu năm nhưng các công ty lại lách luật, ký hợp đồng dưới ba tháng hoặc hợp đồng lao động có thời hạn để “ăn” tiền BHXH, BHYT, thất nghiệp…

Theo ThS Đinh Thị Chiến, giảng viên môn Luật lao động - ĐH Luật TP.HCM, người sử dụng lao động sử dụng sai loại hợp đồng lao động (áp dụng loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với công việc có tính chất thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên hay ký liên tiếp nhiều lần loại hợp đồng lao động xác định thời hạn) sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Cụ thể, nếu hợp đồng lao động dưới ba tháng thì người lao động không được tham gia BHXH bắt buộc, BHYT. Nếu ký hợp đồng lao động dưới 12 tháng thì quyền lợi tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, thông thường ở các đơn vị sử dụng lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng mùa vụ cũng không được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi, các khoản thưởng như những người lao động thường xuyên khác.

Theo quy định, mức đóng BHXH là 24% mức lương; BHYT là 4,5% mức lương; bảo hiểm thất nghiệp là 3% trên mức lương. Nếu doanh nghiệp lách, sẽ có một khoản tiền lớn vì bớt chi cho người lao động mà lẽ ra họ phải hưởng. Điều quan trọng hơn là khi ký kết hợp đồng lao động không đúng, vô hình chung đã đẩy người lao động ra khỏi hệ thống an sinh xã hội khi họ hết tuổi hưu.

Không biết mình bị tước đoạt

Những ngày qua, tiếp xúc với chúng tôi, nhiều công nhân các công ty công ích bị kết luận có sai phạm cho biết họ không biết mình bị tước đoạt quyền lợi và cho rằng mình không được nhận lương cao như báo chí phản ánh.

Anh H., công nhân Công ty Thoát nước Đô thị TP, bức xúc: “Chúng tôi thấy báo thống kê lương bình quân của lao động thường xuyên công ty là hơn 25 triệu đồng/tháng mà tôi ngạc nhiên. Tôi làm 12 năm, lao động biên chế hẳn hoi nhưng lương, phụ cấp và các khoản chưa tới 10 triệu đồng. Những người ký hợp đồng thời vụ mấy năm nay mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng”. Anh L. - làm chung với anh H. còn khẳng định: Số tiền hơn 25 triệu đồng bình quân là lấy lương khủng của lãnh đạo công ty cộng lại rồi chia ra đầu người nên số lương mới cao như vậy.

Lãnh đạo các DN này đã sai luật và làm trái lương tâm, đạo đức của viên chức nhà nước. Cái nghiêm trọng nhất, cái đáng phẫn nộ nhất là việc tước đoạt quyền lợi của người lao động nghèo khổ, làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, nguy hiểm và độc hại.

Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Chị V., công nhân công viên cây xanh, cho hay: “Chúng tôi làm việc từ sáng sớm đến chiều, ngày nào cũng vậy nhưng mức lương chỉ 4-5 triệu đồng”.

Anh B. - một công nhân thời vụ (Công ty Thoát nước đô thị) nói: “Tôi làm được gần hai năm nay nhưng cứ ba tháng lại ký hợp đồng thời vụ lại một lần. Nếu chịu khó chui xuống cống nạo vét thì tôi thu nhập được 170.000 đồng/ngày. Qua báo chí, chúng tôi mới biết trường hợp của tôi lẽ ra phải được ký dài hạn và được hưởng các chế độ BHXH, BHYT… nhưng tôi và những người lao động thời vụ chưa từng biết đến những chế độ này”.

 

Các công nhân thời vụ cho biết họ không được bất kỳ chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản thưởng theo quy định khác. Với con số hơn 1.000 lao động mùa vụ, các công ty đã “bỏ quên” quyền lợi của các công nhân mùa vụ nhiều năm nay./.

Theo PhapluatTPHCM