Cơ chế nào cho lao động di cư ?

13/09/2013 06:53 AM


Sự đóng góp của lao động di cư cho xã hội rất lớn. Tuy nhiên đối tượng này đang bị "bỏ quên” vì chưa có chính sách trợ giúp cụ thể từ các dịch vụ công tới dịch vụ hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu như nước sạch, nhà ở…


Trong vòng 5 năm gần đây, có 6,5 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị

Thua thiệt đủ đường

Nhằm có cái nhìn rõ nét hơn về tình hình lao động di cư, Bộ LĐTB &XH đã triển khai Dự án: "Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO”. Dư án được thực hiện từ tháng 4-2012 đến tháng 8-2013, với trên 7.800 lao động (LĐ) nông thôn di cư ở 15 tỉnh, thành.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong vòng 5 năm gần đây, có 6,5 triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp; trong đó 80% là vì mục đích mưu sinh. Đáng chú ý, có đến gần 70% lao động di cư là thanh niên trẻ dưới 30 tuổi và đang gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống đòi hỏi phải có những hỗ trợ kịp thời cho nhóm lao động trẻ này.

Đặc biệt, theo kết quả nghiên cứu, vấn đề thiếu nhà ở vẫn là nỗi khó khăn lớn nhất đối với lao động di cư, có tới 86,3% lao động di cư phải thuê nhà ở và chỉ có 2,9% đã mua được nhà.

"Tiền thuê nhà, điện nước sinh hoạt chiếm tới 23% thu nhập của người lao động. Đáng nói có  hơn 85% lao động di cư phải trả tiền điện, nước sinh hoạt theo giá của chủ nhà và cao gấp 2-3 lần giá theo quy định. Thu nhập thấp, phải gánh quá nhiều chi phí nên 40% LĐ nhập cư tự chữa trị hoặc không làm gì khi mắc bệnh. Chính vì những khó khăn về nhà ở, tích lũy hạn chế khiến đại đa số lao động di cư không có định hướng lâu dài cho công việc của họ, gần 60% lao động di cư không biết dự định sẽ sinh sống ở địa phương nơi làm việc trong bao lâu và chỉ có 7,5% lao động quyết định sẽ định cư hẳn”- đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.

Nhu cầu về nhà ở của công nhân là rất lớn nhưng ở một số tỉnh, nhà ở xây cho công nhân lại bị "ế”. Sở dĩ có nghịch lý này, theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở LĐTB & XH thành phố Hồ Chí Minh), nhiều lao động không muốn ở các khu nhà giá rẻ dành cho công nhân mà họ chấp nhận thuê nhà bên ngoài ở, vì họ có con nhỏ, không muốn bị quản lý theo quy chế do công ty đặt ra.

Cơ chế cho lao động di cư?

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sau gần 4 năm thực hiện BHXH tự nguyện, mới có trên 96.000 người lao động ở khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, tương đương 0,19% tổng số lao động ở khu vực này.

Kết quả nghiên cứu từ Dự án cũng cho thấy rất ít lao động nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước để khắc phục khó khăn khi di cư. Có tới 67,1% người lao động tự khắc phục khó khăn; 18,5% nhờ bạn bè, đồng hương giúp đỡ và 15,7% nhờ họ hàng.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thừa nhận, hiện đa phần lao động tự do không được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Cơ chế cư trú không được quản lý, nên khi ốm đau và các chế độ khác như nhà ở, các vấn đề xã hội cũng không được quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở LĐTB & XH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần phải thay đổi việc phân bổ ngân sách địa phương tính theo hộ khẩu, dân số địa phương đối với những nơi có nhiều lao động di cư tới.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, dịch vụ xã hội các tỉnh thường chỉ đảm bảo phục vụ dân số địa phương chứ chưa tính đến cả những nhu cầu của lao động di cư nên những nơi có nhiều khu công nghiệp thường hay bị quá tải về nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục. Vì vậy, cần phải có những cơ chế quản lý đặc thù cho những địa phương tiếp nhận số lượng lớn lao động di cư tới để có thể có thêm nguồn đầu tư phục vụ cả lao động di cư.

Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng, để phát triển ổn định nguồn nhân lực cho các địa phương, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu thì mỗi địa phương cần có những chiến lược "giữ” lao động. Bởi nguyên nhân khiến người lao động buộc phải di cư là do thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất.

Giải quyết việc làm, tạo công bằng trong xã hội là một trong những mục tiêu quan tâm của Nhà nước ta. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần tạo chính sách bình đẳng để kéo gần khoảng cách giữa khu vực kinh tế phi chính thức và chính thức, trong đó có cơ chế được tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ phía người lao động.

Theo Báo Đại đoàn kết