Mốc son lớn với công tác BHYT ở Việt Nam

18/02/2014 07:53 AM


Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã nghe và thảo luận báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày; thông qua Nghị quyết về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã dành cho phóng viên Tạp chí BHXH cuộc trao đổi phỏng vấn.

Trong năm 2013, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tập trung thực hiện một khối lượng công việc lớn, đóng góp quan trọng vào xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT. Xin Tiến sĩ cho biết những nỗ lực trong quá trình tổ chức triển khai công việc và kết quả cơ bản Ủy ban đã đạt được trong năm qua?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Năm 2013, có thể coi là năm có mốc son lớn với công tác BHYT ở Việt Nam, đó là năm mà Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành có nhiều hoạt động triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH và BHYT, nhằm xem xét đánh giá và cải tiến để nâng cao hiệu quả chính sách BHYT - một chính sách An sinh xã hội thiết yếu được nhân dân rất quan tâm. Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIII đã khép lại với dấu ấn quan trọng về BHYT đó là: Nghị quyết của Quốc hội về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân; ý kiến của các Đại biểu Quốc hội góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT; Luật Đấu thầu sửa đổi vừa được thông qua đã có mục riêng quy định về đấu thầu thuốc. Những quy định pháp lý trực tiếp và gián tiếp liên quan đến BHYT nêu trên sẽ trở thành mốc lịch sử trong xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về BHYT ở Việt Nam.

Tất nhiên để đạt được những kết quả trên, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng các bộ, ngành đã phải dành nhiều công sức để thực hiện nhiệm vụ Giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT trong suốt 10 tháng đầu năm 2013. Đoàn giám sát (do Quốc hội thành lập, hạt nhân là Ủy ban Về các vấn đề xã hội, với sự tham gia của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và một số cơ quan của Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội và đại diện một số ban, ngành) đã đi giám sát với 09 tỉnh thành phố, với nhiều bộ, ban, ngành, hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo, xin ý kiến cử tri chung và riêng. Bên cạnh đó, 54 đoàn đại biểu Quốc hội ở tỉnh, thành phố cũng thực hiện giám sát về BHYT tại các địa phương. Đúc kết từ kết quả các báo cáo giám sát khác nhau, Bản báo báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật BHYT đã vẽ ra bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ và chi tiết về thành công, thách thức, thuận lợi, khó khăn và kiến nghị giải pháp để tiến đến BHYT toàn dân. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá đó là bản báo cáo giám sát lôgic, hợp lý và đầy đủ nhất của Quốc hội trong những năm qua. Một số đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn không biết phát biểu như thế nào khi mà báo cáo đã thể hiện rất chi tiết, đầy đủ. Thực ra, với nhiệm vụ là một Ủy ban của Quốc hội được phân công phụ trách vấn đề xã hội (trong đó có lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân), trong suốt mấy chục năm qua, từ lúc khởi điểm thực hiện chính sách BHYT cho đến nay, Ủy ban Về các vấn đề xã hội thường xuyên tiến hành khảo sát, giám sát và nghiên cứu các vấn đề về y tế nói chung và BHYT nói riêng. Vì vậy, năm 2013 là thời điểm mà những kinh nghiệm, thông tin và tư duy về BHYT của Ủy ban được sử dụng tối đa để phục vụ giám sát tối cao của Quốc hội về BHYT.

Một điểm rất quan trọng là kỳ họp thứ 6 đã bố trí chương trình khá hợp lý, đó là nghe, thảo luận về kết quả giám sát BHYT đi liền với thảo luận nội dung sửa đổi Luật BHYT, rất liền mạch, giúp cho các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Là người có thời gian gắn bó, sâu sát với chính sách BHYT ngay từ những ngày đầu, với bề dày kinh nghiệm nhiều năm, theo Tiến sĩ, Nghị quyết về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân sẽ có tác động như thế nào đến công tác thực hiện chính sách BHYT trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Phải nói rằng, trước khi ban hành Nghị quyết này, lãnh đạo Quốc hội rất băn khoăn vì e ngại sự trùng lắp nội dung của Nghị quyết với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Cuối cùng các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về Đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tiến tới BHYT toàn dân, với những nội dung hợp lý, thiết thực và có tác dụng thúc đẩy thực hiện Luật BHYT sửa đổi trong những năm tới. Nội dung của Nghị quyết chủ yếu nêu ra các giải pháp (để khắc phục điểm yếu mà Báo cáo giám sát BHYT của Quốc hội đã chỉ ra), các mốc thời gian để thực hiện chỉ tiêu về BHYT, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành, địa phương. Tôi cho rằng, từ năm 2014, mặc dù Luật BHYT chưa được sửa đổi (tháng 05/2014 Quốc hội mới thông qua và dự kiến tháng 01/2015 Luật sửa đổi một số điều của Luật BHYT mới có hiệu lực), nhưng chắc chắn công tác BHYT có nhiều tiến bộ vì các lý do như sau:

- Báo cáo giám sát đã nêu đích danh một số tỉnh chưa đạt mức trung bình của cả nước về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, một số tỉnh triền miên bội chi Quỹ BHYT. Đồng thời, đã nêu rõ trách nhiệm lãnh đạo các đoàn thể, cấp ủy chính quyền tỉnh, thành phố với việc thực hiện BHYT; nêu rõ HĐND, UBND các cấp phải đưa chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia BHYT vào Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; tăng cường quản lý nhà nước và kiểm soát Quỹ BHYT.

- Nghị quyết đã nêu rõ việc Chính phủ sớm chỉ đạo khắc phục những khó khăn trong BHYT như chấn chỉnh đấu thầu thuốc để khắc phục tình trạng giá thuốc chênh lệch giữa các bệnh viện, các biện pháp giảm tải bệnh viện tuyến trên, cải tiến quy định chuyển tuyến…, đầu tư nâng cấp y tế xã và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình để người có thẻ BHYT được chăm sóc tốt hơn, đỡ phải vượt tuyến.

- Vấn đề khơi thông ách tắc do chưa liên thông thông tin giữa bệnh viện và cơ quan BHYT gây khó khăn trong kiểm soát BHYT, công tác giám định BHYT cũng là mục tiêu Nghị quyết nêu ra và sẽ được quyết liệt thực hiện trong thời gian 2-3 năm tới.

- Sẽ hoàn thành việc chuyển từ cơ chế ngân sách hỗ trợ cho bệnh viện sang hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT và giá dịch vụ y tế sẽ được tính đủ để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT…

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi) trong đó nội dung liên quan đến đấu thầu thuốc (được quy định tại Mục 3, Chương V) với nhiều điểm mới như quy định đấu thầu thuốc tập trung, ưu đãi trong mua thuốc đối với các thuốc sản xuất trong nước, trong đó giao Chính phủ quy định chi tiết trách nhiệm của các bộ, ngành trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế. Vậy theo Tiến sĩ cần có những giải pháp gì để tổ chức quản lý và thanh toán thuốc BHYT đạt hiệu quả hơn, đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia BHYT và cân đối Quỹ BHYT?

TS. Nguyễn Văn Tiên: Luật Đấu thầu sửa đổi đã bổ sung thêm mục về đấu thầu thuốc là do ý kiến tranh luận của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của Ngành Y tế. Trong suốt thời gian dài, Ngành Y tế luôn vất vả và khó khăn, bị dư luận lo ngại, nghi ngờ về tính minh bạch của giá thuốc, bởi vì việc đấu thầu thuốc cứ phải áp dụng các quy định giống như đấu thầu xi măng sắt thép. Việc ban hành mục riêng về đấu thầu thuốc, với các cơ chế, hình thức và giải pháp cụ thể, chắc chắn sẽ làm cho công tác đấu thầu thuốc minh bạch, công khai và giúp quản lý Quỹ BHYT hiệu quả hơn. Đến phút chót, cả Bộ Y tế, Ủy ban Về các vấn đề  xã hội và BHXH Việt Nam đã thống nhất nên quy định cụ thể ngay trong nội dung luật về trách nhiệm của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam; tuy nhiên, sau khi cân nhắc, Quốc hội đã quyết định ghi rõ trong luật nhiệm vụ của Bộ Y tế là ban hành danh mục thuốc đấu thầu tập trung, thuốc đàm phán giá (vì là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này), còn tổ chức đấu thầu thuốc thì giao Chính phủ hướng dẫn phân công trách nhiệm cho các cơ quan cho hợp lý. Vì vậy, để tổ chức có hiệu quả việc đấu thầu thuốc, nên hướng dẫn thực hiện theo hướng như sau:

- Không ai khác ngoài BHXH Việt Nam nắm rõ những thông tin về giá thuốc phục vụ KCB theo BHYT, vì hàng năm cơ quan này phải chi trả gần 60% số Quỹ BHYT cho các bệnh viện. Mặt khác, BHXH Việt Nam được giao nhiệm vụ quản lý Quỹ BHYT để phục vụ KCB theo BHYT, vì vậy có trách nhiệm theo dõi những đồng tiền của Quỹ BHYT chi trả có đúng và hiệu quả hay không. Vì vậy, kiểm soát, tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc BHYT nên gắn chặt với cơ quan BHXH.

- BHXH Việt Nam, cơ quan thực hiện quản lý Quỹ BHYT và làm nhiệm vụ chi trả chi phí KCB theo BHYT, biết rõ hàng năm phải trả bao nhiêu tiền thuốc cho các bệnh viện, nơi nào giá thuốc cao, nơi nào thấp... Vì vậy, nên phân công BHXH Việt Nam có trách nhiệm tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, đàm phán giá một số loại thuốc với các nhà cung cấp… Hiện nay, các tỉnh, hoặc từng bệnh viện làm nhiệm vụ này, cho nên thiếu sự thống nhất, đôi khi thiếu năng lực để đàm phán, mặc cả với nhà cung cấp thuốc để đưa ra giá thuốc hợp lý.

- Bởi vì hiện nay chúng ta chưa thể tổ chức ngay việc đấu thầu tập trung trên quy mô cả nước, do đó thông tin về giá thuốc đã chi trả rất cần thiết cho các bệnh viện phải tự đấu thầu. Chính vì vậy, cần quy định BHXH Việt Nam hàng năm công bố giá một số loại thuốc BHYT đã thanh toán cho các bệnh viện để họ có thể tham khảo lẫn nhau, như vậy công tác đấu thầu năm sau sẽ hợp lý hơn, sẽ hạn chế tình trạng cùng chủng loại và chất lượng thuốc, nhưng giá chênh lệch lớn giữa các bệnh viện, nhưng cuối cùng không ai mắc lỗi, không ai chịu trách nhiệm, vì tất cả đều đúng.

- Đấu thầu thuốc tập trung nhưng quyền sử dụng thuốc phụ thuộc vào quan điểm khác nhau của các bác sĩ điều trị. Do đó, chắc chắn tổ chức đấu thầu tập trung sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Y tế mở rộng dần danh mục thuốc đấu thấu tập trung, đàm phán giá để từng bước rút kinh nghiệm, tránh đổ vỡ do khó khăn ban đầu để rồi xóa đi một chủ trương chính sách có hiệu quả./.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!

Theo TC BHXH - Hải Hồng (thực hiện)