Thừa lý thuyết, thiếu kỹ năng, sa thất nghiệp

27/03/2014 02:27 AM


Căn bệnh chung giáo dục phổ thông và đại học (ĐH) đang vướng là thừa lý thuyết, thiếu thực hành, khiến đông cử nhân thất nghiệp mà vẫn thiếu nhân lực đạt yêu cầu. Kết quả khảo sát kỹ năng lao động khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vừa công bố đã báo động đỏ thực trạng đào tạo nghề xa rời thực tiễn… Vậy đâu là thuốc chữa?


Học nghề cần chuyển từ lượng sang chất (ảnh minh họa)

Bệnh nặng, lãng phí lớn

Thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng mềm là kết quả khảo sát nhu cầu kỹ năng lao động khu vực DN FDI, được Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cùng Manpower Group (Tập đoàn đa quốc gia cung ứng dịch vụ nhân lực) công bố giữa tuần này. Khảo sát trên tiến hành tại 100 DN FDI thuộc 6 tỉnh, thành phố trong cả nước, ở 3 ngành là sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử và lắp ráp ôtô, xe máy. Các DN cho biết: Chất lượng lao động VN nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Lợi thế về chi phí nhân công thấp ở Việt Nam đang dần mất đi sức hấp dẫn. Cụ thể hơn, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, kỹ năng tổng quát là nhóm kỹ năng người lao động (NLĐ) VN đang thiếu hụt nhiều nhất. Nó còn gọi là kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thích nghi với tình huống mới. Và tầm quan trọng của kỹ năng mềm này và kỹ năng chuyên môn được các DN xếp ngang nhau khi tuyển dụng.

Đáng lo ngại từ kết quả khảo sát còn là khuynh hướng một số DN FDI sẽ lấy lao động họ cần bằng cách "cạnh tranh”, có thể tạo ra cạnh tranh lương không lành mạnh, thay vì DN đầu tư đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động. Điều này là hậu quả của nhiều năm quản lý đào tạo nghề ở ta phân tán, manh mún. Tháng 4 tới, hai Bộ GD&ĐT và LĐTB&XH mới trình Thủ tướng Khung trình độ quốc gia - chuẩn đầu ra của từng bậc đào tạo. PGS.TS Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề) cho rằng: Việc chuyển từ đào tạo hướng cung sang hướng cầu còn chậm khiến NLĐ thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu. "Nhà trường dạy cái mình có chứ không phải cái DN cần”. Điều này làm gia tăng tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, một lãng phí thực sự lớn.

Hãy sớm "giải phẫu”đồng bộ

Các DN FDI đóng vai trò ngày càng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, định hướng phát triển nhân lực mang tính dự báo cao cho sự phát triển thị trường lao động. Nhiều "điểm mù” của lao động VN được họ chỉ ra từ cuộc điều tra này, như thiếu vốn ngoại ngữ, thiếu hiểu biết cơ bản về quản lý tài chính, ít khả năng sáng tạo, yếu kỹ năng vi tính cũng như khả năng tạo động lực cho bản thân. Những nhóm kỹ năng quan trọng đó bị bỏ qua do cơ sở đào tạo và NLĐ chưa coi là nhu cầu cấp bách. Trong khi đây chính là các yếu tố để các DN tạo ra sự khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh. Tương tự, hiện nay để cung cấp những luận cứ khoa học có chất lượng phục vụ việc hoạch định chính sách, xu hướng nghiên cứu liên ngành, liên viện, liên trường được đề cao ở nhiều viện nghiên cứu chuyên ngành và các trường ĐH nước ta. Nhà nghiên cứu, đơn vị nghiên cứu không thể "một mình một cõi” mà có được sản phẩm chất lượng cạnh tranh. Nghiên cứu biển đảo - phải tiếp cận từ quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội dải đồng bằng duyên hải, tới chuyên sâu văn hóa, chủ quyền quốc gia... Biến đổi khí hậu cũng cần nghiên cứu từ góc độ sinh kế, di dân, tới bảo tồn văn hóa, thích ứng môi trường.

Trở lại đòi hỏi sớm xóa các "điểm mù” của lao động VN, cần sớm bốc thuốc liên ngành gì? Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng quan hệ hợp tác giữa các trường dạy nghề và DN FDI, các giám đốc, kỹ sư, NLĐ có kinh nghiệm ở các DN phải được tạo điều kiện để tham gia xây dựng chương trình đào tạo nghề, góp ý biên soạn giáo trình giảng dạy, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thị trường... Đây là khuyến nghị rất đáng lưu tâm từ báo cáo khảo sát. Quan trọng không kém, kỹ năng nghề nghiệp tổng quát cần phát triển ở mọi cấp độ giáo dục. Tốt nhất bắt đầu ngay ở bậc tiểu học và tiếp tục phát triển lên các cấp học cao hơn. Nhà quản lý và người học, NLĐ đều cần hiểu giờ đây yếu tố quyết định doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị công ty, DN chính là năng suất lao động chứ không phải nhân công giá rẻ. Do đó, không chỉ ĐH, CĐ mà ngay cả đào tạo nghề cũng cần có bước chuẩn bị cụ thể để chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Những ngành được tuyển dụng nhiều nhất Quý I năm 2014

Thời gian qua, việc chọn ngành thi, trường thi đã trở thành mối quan tâm lớn của học sinh và các bậc phụ huynh. Trên thực tế, việc chọn đúng trường thi, ngành thi phù hợp sẽ có ảnh hưởng lớn đến kết quả thi và cơ hội tìm việc làm trong tương lai. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động - Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, dựa trên yêu cầu phát triển của năm 2014, dự đoán nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn, công nghệ thông tin, cơ khí, marketing... tăng khoảng 50% so với năm 2013. Ngành công nghệ thông tin cũng đang khát nhân sự giỏi ở mức báo động. Đặc biệt là lập trình di động, quản trị mạng, chuyên gia bảo mật và an ninh mạng. Song lượng ứng viên đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng lại khiêm tốn. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, chênh lệch đào tạo tại các trường cao đẳng, trung cấp, đại học so với đòi hỏi thực tế cách nhau quá xa. Khoảng 15% sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại 3-5 tháng, có nơi mất 2 năm. Yếu ngoại ngữ cũng là một trong những hạn chế phổ biến ở nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa kiến thức được đào tạo tại trường với yêu cầu thực tế từ công việc vẫn còn khoảng cách xa.

Nhiều đơn vị trong lĩnh vực cơ khí - điện - điện tử cũng đã lên phương án bổ sung nguồn nhân lực số lượng lớn ngay trong năm nay. Tuy nhiên, đây là nhóm ngành có tỷ lệ nguồn cung lao động thấp nhất (chiếm khoảng 1,5% thị trường lao động). Và nguồn lao động này cũng chỉ đáp ứng chưa tới 55% nhu cầu của nhà tuyển dụng. Xã hội dù văn minh đến đâu cũng cần một lượng lớn thợ chế tạo, điều khiển máy móc, dịch vụ… Tâm lý của người Việt luôn coi trọng bằng cấp. Càng đỗ đạt cao, càng thăng quan tiến chức. Vì vậy, thị trường lao động rơi vào tình trạng thừa thầy thiếu thợ là chuyện dễ hiểu. Trong những năm gần đây, mặc dù có mức tăng trưởng khá nhưng lao động Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Đặng Duy Tiến, đại diện nhà tuyển dụng của Công ty Cổ phần Javta, chia sẻ: “Ngoài kiến thức chuyên môn, chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Nhưng hiện nay, các ứng viên thường thiếu các kĩ năng này. Tuy tiêu chí tuyển dụng là vậy, thực tế chúng tôi đều chấp nhận tuyển ứng viên có nền tảng tốt về đào tạo thêm”, ông Tiến nói.

Theo ông Bùi Xuân Tiến, Phó Trưởng phòng Trung tâm Giới thiệu việc làm số 2 Hà Nội, nhận định nhu cầu đăng tuyển thông thông tin của các nhà tuyển dụng những tháng đầu đang tăng mạnh. Các ngành nghề hót bao gồm nhà hàng khách sạn, marketing, tài chính đầu tư... do nhiều công ty nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Thị trường lao động năm 2014 sẽ phát triển theo hướng nâng cao yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn thay vì số lượng. Nhiều doanh nghiệp sẽ thực hiện quá trình tái cơ cấu bộ máy nhân sự, chú trọng vào chất lượng lao động. Do đó, người đi làm cần nắm bắt mọi cơ hội để nâng cao tay nghề, rèn luyện kỹ năng mềm và vốn ngoại ngữ cho bản thân. Các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề nên nắm bắt thông tin dự đoán nhu cầu nhân lực để có những chương trình đạo tạo phù hợp. Tránh trường hợp ngành thừa, ngành thiếu và nên tập trung vào công tác hướng nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm cho học viên bên cạnh chuyên môn.

Theo NLĐO