Thị trường lao động ảm đạm

24/01/2013 09:00 AM


Theo quy luật, nhu cầu tuyển dụng lao động cận Tết âm lịch thường tăng cao. Nhưng năm nay, cho tới thời điểm này tình hình lao động vẫn khá ảm đạm và trầm lắng.


Thất nghiệp, nhiều lao động lo lắng tìm việc. Ảnh: S. XANH

Năm 2013, tình hình kinh tế vẫn bất ổn, doanh nghiệp (DN) tiếp tục lèo lái trong khó khăn, đơn hàng giảm sút, vì vậy nhu cầu tuyển dụng của các DN không cao. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, cuối năm 2010, DN đăng ký tuyển mới cho 2011 là 70.000 lao động mới nhưng sang đến cuối năm 2011 đăng ký cho năm 2012 giảm còn 50.000 lao động. Trong năm 2012, số lao động tăng không đáng kể, điều này cho thấy doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Ước tính năm 2013, thành phố sẽ có khoảng 150.000 người thất nghiệp. Riêng, quý I-2013, xu hướng tuyển dụng lao động phổ thông tăng nhưng không nhiều. Trong quý I TP.Hồ Chí Minh có khoảng 65.000 chỗ làm việc trống với khoảng 43% lao động phổ thông. "Do nhu cầu tuyển dụng lao động không cao nên DN ngày càng siết chặt lao động ở khâu đầu vào. Đơn cử, nếu như trước đây, tuyển lao động có trình độ học vấn lớp 8-10, thậm chí chỉ cần biết chữ DN cũng được nhận vào làm. Tuy nhiên, đến nay DN đã nâng trình độ tuyển từ cấp 3 trở lên và đặc biệt DN thích người lao động đã qua đào tạo tay nghề”, ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản Lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh khẳng định.

Theo ghi nhận tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh việc DN nâng yêu cầu tuyển dụng còn xảy ra tình trạng công nhân đang "khát việc” và mong muốn được tăng ca để nâng cao thu nhập. Nếu như những năm trước, thời điểm cận Tết công nhân phải "căng cơ” tranh thủ tăng ca ngày đêm để sản xuất kịp đơn hàng, thì năm nay họ lại rơi vào tình trạng thiếu công việc. Song DN khó có thể đáp ứng được công việc ngoài thời gian hành chính, vì vậy nhiều công nhân lên kế hoạch về quê đón Tết sớm. Chị Thành Lam, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình phân trần: "Cuối năm là thời điểm công nhân rất muốn tăng ca nhằm kiếm thêm thu nhập nhưng không phải DN nào cũng có đơn hàng nhiều cho công nhân tăng ca. Gần Tết đi làm mà không tăng ca thì chỉ muốn nghỉ việc về quê sớm”.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty Nissei cho biết, năm nay, việc kinh doanh của công ty gặp khó khăn, đơn hàng không nhiều vì vậy công nhân cũng ít tăng ca… Điều này, đồng nghĩa với việc thu nhập của người lao động cũng giảm. Vì vậy, nhiều công nhân của công ty đã bỏ việc về quê từ trước Tết. Hiện công ty có khoảng 6.000 công nhân đến từ các tỉnh trong cả nước. Nhiều DN tỏ ra lo lắng, nếu kinh tế còn khó khăn, đơn hàng khan hiếm và không thể tạo ra nhiều việc làm cho công nhân thì nguy cơ công nhân bỏ việc sau Tết là không thể tránh khỏi. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. Hồ Chí Minh nhận xét: "Thiếu việc làm kèm theo mức thu nhập trung bình của người lao động thấp, khoảng 2,5- 2,9 triệu đồng/tháng nên có thể xảy ra tình trạng nhiều công nhân sau khi về quê đón Tết sẽ không trở lại”.

Đại đoàn kết