Mất an ninh y tế: Các bệnh viện hãy nhìn lại chính mình

18/03/2014 08:48 AM


Những rắc rối về an ninh trật tự vừa qua tại một số cơ sở y tế đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành y tế. Hôm qua 12-3, Viện Các vấn đề xã hội của Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức Hội thảo "An ninh Bệnh viện - Thực trạng và giải pháp”.


Hội thảo An ninh bệnh viên - Thực trạng và giải pháp

Hình ảnh của ngành y tế đang bị đe dọa nghiêm trọng

GS.TS Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định an ninh trật tự đang là vấn đề hết sức bức xúc tại các BV và điều đáng nói là thực trạng này ngày càng nghiêm trọng, rất đáng báo động. Nếu không có sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng  với ngành y tế trong việc giữ gìn an ninh, trật tự thì các cán bộ, nhân viên y tế không thể yên tâm công tác. Chung quan điểm này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng đây đang là vấn đề rất nóng: "Chưa bao giờ đất nước ta lại có những vụ đập phá BV, bắt cóc trẻ em, truy xét, chém giết bác sĩ giữa BV hết sức nghiêm trọng như hiện nay”.

Theo PGS Khuê, về phía BV, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn không ít sơ hở, yếu kém, thậm chí tiêu cực trong khám chữa bệnh. Trong khi đó, phần lớn các BV không chú trọng giải thích, tuyên truyền cho người bệnh thấu hiểu khi những hiện tượng tai biến y khoa xảy ra. Về phía bệnh nhân và người nhà của họ phần do thiếu ý thức tôn trọng thầy thuốc và pháp luật, phần cố chấp, cực đoan, nhẹ dạ nghe các phần tử xấu xúi bẩy dẫn đến những manh động khi có tai biến y khoa xảy ra.

Ông Nguyễn Đình Thuyên - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội gọi các đối tượng gây mất an ninh BV là những "kẻ gian” rồi đặt câu hỏi: Tại sao người ta gian? Chúng ta đã nói nhiều đến các nguyên nhân từ bên ngoài BV, thế còn bên trong BV thì sao? Triết lý nhà Phật từng dạy: Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là chính mình. Các thầy thuốc chúng ta có rất nhiều người giỏi, tuy nhiên theo ông Thuyên, bản ngã của chúng ta đang "có vấn đề”. Ông chỉ "xin các giám đốc BV hãy tự kiểm điểm xem đã làm gì để người dân yêu quý mình?”.

Ngăn chặn thế nào?

Từ năm 2011 đến nay, theo GS Khuê, Bộ Y tế đã và đang ban hành nhiều văn bản nhằm bảo đảm an toàn cho thầy thuốc và người bệnh. Tuy nhiên, rất tiếc là hiệu quả của các văn bản này dường như chưa phát huy được là bao.

Từ Đồng Nai, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc BV Đa khoa Thống Nhất, cơ sở từng gánh chịu khá nhiều hậu quả khi công tác an ninh trật tự bị buông lỏng, đem đến hội thảo nhiều kinh nghiệm. Trong những năm gần đây, BV này đã có nhiều động thái phối hợp với cơ quan an ninh và một số công ty bảo vệ chuyên nghiệp tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt. BV đặt camera tại 11 điểm nhạy cảm như: Phòng cấp cứu, cổng BV, khu gửi xe, kho tàng, nơi đón tiếp bệnh nhân, nơi phát thuốc, nơi thu tiền viện phí…. Đăng ký người nhà ở lại qua đêm, tổ chức bãi gửi xe thông minh kiểm soát xe tự động... "Đây là những giải pháp tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại rất quan trọng mà người quản lý cần quan tâm cũng như lường trước” - ông nhấn mạnh. Kết quả, hàng ngày ở đây tiếp nhận từ 2000-2200 bệnh nhân đến khám chữa bệnh mà không còn xảy ra những hiện tượng trộm cắp, hành hung, ẩu đả như trước đây nữa.

Các ý kiến tham luận còn đề cập đến giải pháp phân loại bệnh nhân, hạn chế và kiểm soát chặt hơn nữa người nhà bệnh nhân vào thăm cũng như nhắc nhở họ luôn luôn đề cao cảnh giác, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Các BV cần thành lập ban công tác xã hội, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng đề xuất. Một trong những nhiệm vụ của ban này là đảm bảo an ninh tư tưởng cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân sao cho hai bên có thể luôn thấu hiểu nhau, từ đó mới có thể thông cảm, chia sẻ cho nhau những khó khăn, vất vả cũng như những mất mát, đau đớn, thậm chí rủi ro trong hành nghề ở đây.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh - Mất an ninh y tế, các BV hãy tự nhìn lại chính mình!”.

Theo Báo Đại đoàn kết