Cần có chế tài về đấu thầu thuốc chữa bệnh

30/07/2013 04:10 AM


Nhiều năm qua, Bộ Y tế áp dụng đấu thầu thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giá thuốc, chất lượng thuốc; tạo linh hoạt cho thị trường thuốc chữa bệnh, kích thích sản xuất thuốc nội… Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đấu thầu thuốc đang bộc lộ nhiều hạn chế rất cần có một chế tài riêng cho công tác đấu thầu mặt hàng đặc biệt này.


Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

Hiệu quả đáng ghi nhận

Theo Bộ Y tế, từ năm 2006, áp dụng Luật Đấu thầu năm 2005, bộ đã triển khai cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thực hiện đấu thầu thuốc công khai. Cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện đấu thầu thuốc. Mới nhất là các Thông tư 01 và Thông tư 11 có nhiều quy định đảm bảo các nguyên tắc cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế...

Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo, dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo đánh giá ban đầu giá thuốc giảm đến 20% sau khi thực hiện đấu thầu theo quy chế mới, ước khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Phân tích kết quả trúng thầu thuốc của các Sở Y tế năm 2013, đối với nhóm thuốc phổ biến, giá trị cao cho thấy giá thuốc trúng thầu của nhóm thuốc này giảm đến 28% so với giá trúng thầu năm 2012.

Bên cạnh đó, các quy định về đấu thầu thuốc cũng đã khuyến khích sản xuất, sử dụng thuốc trong nước khi đưa ra các quy định kỹ thuật thể hiện chủ trương khuyến khích, tăng cường sử dụng thuốc nội. Thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm riêng, do đó trong các kế hoạch đấu thầu của các cơ sở y tế đều có nhóm thuốc sản xuất trong nước đối với các thuốc mà các nhà máy trong nước đã sản xuất được để các cơ sở y tế lựa chọn.

Với các quy định đấu thầu thuốc hiện hành, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã bắt đầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản xuất các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc chứa hoạt chất mà trong nước chưa sản xuất được và tập trung đầu tư công nghệ để sản xuất các sản phẩm dạng bào chế hiện đại, nghiên cứu tương đương sinh học của thuốc nhằm tận dụng, phát huy các lợi thế mà các quy định mới đem lại, đồng thời góp phần thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”.

Cần có chế tài riêng

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đến nay, các tỉnh, thành phố đã tổ chức đấu thầu thuốc năm 2013; mặc dù có tiến bộ, nhưng công tác đấu thầu thuốc vẫn tồn tại nhiều bất cập do hành lang pháp lý cho đấu thầu thuốc chưa chặt chẽ. Thực tế cho thấy, việc áp dụng Luật Đấu thầu vào đấu thầu thuốc - một loại hàng hóa đặc biệt là cách làm “gọt chân cho vừa giày”.

Cụ thể như với tính điểm đấu thầu thuốc theo quy định hiện nay áp dụng thang điểm đấu thầu chung các loại hàng hóa, không phân biệt riêng các tiêu chí chất lượng thuốc thì các loại thuốc của Mỹ, Bỉ, Italy, Pháp chất lượng tốt, giá cao sẽ không cạnh tranh được các nước sản xuất thuốc giá rẻ khác. Minh chứng, hầu hết các loại thuốc trúng thầu năm 2013 là của những nước sản xuất thuốc giá rẻ như Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan… Theo các chuyên gia dược phẩm thì chất lượng thuốc của các nước châu Á sản xuất không thể sánh với châu Âu. Muốn đánh giá đúng thuốc cần phải thử sinh học, chứ không phải chỉ nhìn vào nhãn mác là hoạt chất, thành phần, dạng bào chế, công nghệ, nhà sản xuất… nhưng để làm được điều này sẽ không dễ.

Về hình thức đấu thầu thì muôn hình vạn trạng, 63 tỉnh có khoảng 1 nghìn Hội đồng đấu thầu thuốc; có tỉnh đấu thầu thuốc tập trung nhưng có tỉnh lại giao cho bệnh viện, mỗi bệnh viện lại thực hiện đấu thầu một kiểu, một giá thuốc khác nhau. Thời gian theo trình tự thủ tục đấu thầu thuốc quá dài, thêm thủ tục hành chính phiền toái. Tổng thời gian thực hiện các khâu đấu thầu thuốc mất gần 3 tháng, hoặc hơn. Bởi vậy, đến nay, nhiều cơ sở KCB vẫn chưa mua được thuốc mới, mà vẫn dùng thuốc theo hợp đồng năm 2012, giá cũ đắt hơn đến hàng chục %.

Bên cạnh đó, việc đấu thầu thuốc còn lẫn lộn vai trò quản lý. Cơ quan BHXH đúng ra phải là chủ đầu tư thực hiện đấu thầu thuốc nhằm đảm bảo quyền lợi người bệnh - người đóng góp BHYT nhưng quy định hiện hành lại giao cho cơ sở KCB làm chủ đầu tư; cách làm này dễ sinh tiêu cực. Theo ông Thảo, hiện BHXH chỉ được tham gia với tư cách thành viên Hội đồng đấu thầu thuốc ở khâu đầu và cuối là thẩm định kế hoạch đấu thầu và phê duyệt kết quả đấu thầu như thế không nắm được công tác đấu thầu.

Từ thực tế đó, theo các chuyên gia, nên có luật riêng cho đấu thầu thuốc, vì đây là mặt hàng đặc biệt không thể mua thuốc như mua xi măng, sắt thép, phân bón. khó khăn lớn nhất là khó tìm mẫu số chung để Luật Đấu thầu có thể áp dụng cho tất cả các ngành nghề. Cho nên rất cần thiết có một luật riêng dành cho những hàng đặc thù như thuốc trị bệnh. Đấu thầu không phải là con đường duy nhất để có thể tiếp cận những mặt hàng chất lượng với giá cả hợp lý.

Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), các ĐBQH cũng cho rằng, phải tách thành một Luật Đấu thầu riêng đối với một số dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng đến dân sinh, đặc biệt trong lĩnh vực y tế như đấu thầu thuốc và thiết bị y tế. Hiện nay, 70% dân số có BHYT và 80% bệnh nhân tại các bệnh viện có BHYT; nếu ban hành được luật, kiểm soát được đấu thầu thuốc, giá thuốc thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Liên quan đến đấu thầu thuốc trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được soạn thảo, chiều ngày 19.7.2013, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã tổ chức buổi họp chuyên gia nhằm lấy ý kến đóng góp cho dự thảo các quy định về đấu thầu thuốc của luật này. Theo các đại biểu, thực tế bất cập trong đấu thầu thuốc hiện nay đang tạo nên khó khăn quản lý giá thuốc, lo ngại về chất lượng thuốc, lắm kẽ hở, chồng chéo quản lý, gây lãng phí và nguy cơ tham nhũng cao... đòi hỏi phải có hành lang pháp lý chặt chẽ để chấn chỉnh, quản lý đấu thầu thuốc. Các ý kiến đại biểu cho rằng, cần có một chương riêng quy định về đấu thầu thuốc mang tính mở trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này, những phần chi tiết nên giao Chính phủ quy định cụ thể, khi điều kiện chín muồi nên nâng cấp thành một luật riêng.

Theo Người đại biểu nhân dân