6 tháng cuối năm: Người lao động sẽ bớt khó khăn?

30/07/2013 12:49 AM


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2013 cả nước có 26.324 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, 6 tháng cuối năm con số DN giải thể không giảm nhưng cuộc sống người lao động sẽ bớt khó khăn nhờ những "giá đỡ” về chính sách của Nhà nước được thực thi.


Dự báo 6 tháng cuối năm việc làm và đời sống của NLĐ bớt khó khăn

Theo ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội: Nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng đầu năm 2013 luôn ở mức đáy. Cụ thể, số lượng lao động phổ thông cần tuyển chỉ vài trăm (trong khi các năm trước là hàng ngàn) chủ yếu để thay thế những lao động nghỉ việc. Đáng chú ý, lao động có trình độ CĐ, ĐH nhu cầu tuyển dụng lại càng ít hơn, chủ yếu là công ty mới thành lập hoặc các dự án mới triển khai. Bên cạnh đó, phần lớn nhu cầu tuyển dụng 6 tháng đầu năm 2013 chủ yếu tập trung vào lao động đã có tay nghề, kinh nghiệm hoặc yêu cầu người lao động phải đảm nhiệm được nhiều vị trí khác nhau trong DN.

Mặc dù tình hình của các DN trong 6 tháng đầu năm không mấy sáng sủa, song nhiều chuyên gia lao động đều đưa ra dự báo bức tranh đời sống người lao động 6 tháng cuối năm khá khả quan.

Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra dự báo, 6 tháng cuối năm các DN vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, tuy nhiên, Chính phủ đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách vĩ mô như giảm lãi suất ngân hàng, mở rộng hạng mục cho vay và đặc biệt là gói 30.000 tỉ đồng nhằm cứu ngành xây dựng... Theo đó, DN đã có thể tiếp cận lại với nguồn vốn vay để đầu tư vào nhiều lĩnh vực và sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động. Do đó nhiều khả năng thị trường việc làm sẽ sôi động hơn. Lúc đó đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn.

Trên thực tế, để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cấp ở địa phương thực hiện nhiều giải pháp như: Thống kê, khảo sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động. Với những DN gặp khó khăn và có nguy cơ nhiều người lao động bị mất việc thì xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể hỗ trợ DN và người lao động để hạn chế người lao động bị mất việc; tổ chức thực hiện đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời hạn đối với người lao động bị mất việc làm, nhất là các chế độ về BHTN, BHXH, trợ cấp mất việc làm… Đồng thời tăng cường các hoạt động  hỗ trợ và có giải pháp thiết thực để hỗ trợ người lao động bị mất việc đang gặp khó khăn về đời sống và sinh hoạt…

Với DN tuyển dụng, Bộ LĐTB&XH khuyến khích tuyển dụng NLĐ bị mất việc làm để làm việc lâu dài tại DN. Những quan tâm tích cực từ các bộ, ngành đã phần nào mang lại diễn biến lạc quan và tích cực cho thị trường lao động giữa lúc DN còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Hơn nữa tháng 7, Bộ Luật Lao động sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành, với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, chắc chắn đời sống của người lao động sẽ bớt khó khăn hơn.

Theo Báo Đại đoàn kết