Quý II: Thị trường chỉ cần 27% lao động có trình độ Đại học

01/04/2014 09:42 AM


10 nhóm ngành nghề sẽ lên ngôi trong quý II năm nay là kinh doanh- bán hàng, giúp việc nhà-bảo vệ, CNTT, marketing, chăm sóc khách hàng, dệt may-giày da, cơ khí, kế toán-tài chính, kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng. Đây là nhận định về thị trường lao động-việc làm do Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM đưa ra.


Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm, nhận định tình hình dịch chuyển lao động trong quý II, sẽ diễn ra cao so với quý I, khoảng 30%. Tập trung chủ yếu trong các nhóm ngành nghề: quản lý điều hành, kinh doanh bất động sản, nhân viên kinh doanh, marketing, ngân hàng, xây dựng. Dự báo, trong quý II, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng 75.000 chỗ làm việc. Cụ thể trong tháng 4, dự kiến là 20.000; tháng 5 là 25.000 và tháng 6 có 30.000 chỗ làm việc. Trong đó, 35% nhu cầu lao động phổ thông, 38% nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp đến trung cấp, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, lao động có trình độ đại học và trên đại học là 27%.

Cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng bất hợp lý

Theo Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH, hiện mỗi năm nước ta có khoảng hơn 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng khoảng 90% - 95% học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, nghĩa là chỉ có 5% - 10% vào học các cơ sở dạy nghề hoặc ra thị trường lao động làm lao động giản đơn. Bên cạnh đó, hàng năm cũng có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng hơn 80% học sinh tham gia thi đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ có khoảng 10% học sinh đi học nghề, còn lại tham gia thị trường lao động hoặc đơn giản là ở nhà chờ năm sau thi đại học. Mặc dù trên thực tế, số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chỉ khoảng 60% nhưng số không đỗ cũng không vào học tại các trường nghề. Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề - Tổng cục Dạy nghề cho biết, qua nhiều khảo sát cho thấy, vào học các trường nghề chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của học sinh trung học sau khi không có cơ hội vào các bậc học khác.

Thất nghiệp là do hướng nghiệp nhầm?

Học sinh và phụ huynh chỉ thích lao vào các trường đại học với hi vọng sau này kiếm được công việc nhàn hạ, lương cao, trong khi lực lượng lao động phổ thông, thợ lành nghề đang còn thiếu, xã hội vẫn có nhu cầu cao với đối tượng này thì không mấy ai ngó ngàng. Những em chỉ đủ khả năng học nghề, học trung cấp, cao đẳng vẫn muốn cố vào những trường đại học “vét điểm sàn 13-14 điểm”. Trong quá trình học tập lại lười biếng, kiến thức không có, kỹ năng yếu, viễn cảnh thất nghiệp ngay khi tốt nghiệp là tất yếu. Có ý kiến cho rằng lỗi không phải tại nhà trường, xã hội, mà thủ phạm chính là sinh viên và phụ huynh đã chọn nhầm sân chơi nghề nghiệp cho các em. Ý kiến khác cho rằng, yếu kém đầu tiên là từ các nhà hoạch định và dự báo nhu cầu việc làm, do "các báo cáo về nguồn việc làm chưa hề được truyền đạt cho các em học sinh ngay từ ghế nhà trường. Các em thành thị có thể có nhiều lựa chọn và nắm bắt thông tin tốt hơn. Nhưng ở miền núi lấy đâu ra tạp chí, internet... để biết về nhu cầu việc làm của thị trường. Sau đó, là yếu kém về trình độ quản lý giáo dục. Tại sao lại phân biệt trường có điểm làng nhàng 13-14 điểm? Đó trước hết thể hiện sự vô tâm của các nhà quản lý khi cho tồn tại những trường ĐH không đủ chất lượng”.

Ý kiến của một độc giả tham gia diễn đàn về giáo dục cho rằng: "Nếu như những em có học lực thật giỏi hoặc thật kém thường xác định rõ sân chơi của mình thì phần đông học sinh học lực trung bình sẽ phải thực hiện hướng nghiệp kỹ càng. Ví dụ các bạn học sinh định hướng nghề kế toán sẽ có các chọn lựa – học lớp 3-6 tháng về kỹ năng kế toán đơn giản, học trung cấp về kế toán, học cao đẳng hay học đại học. Một bạn học kỹ năng kế toán đơn giản sẽ làm việc tại một cửa hàng bán quần áo tư nhân kiêm thêm nhiệm vụ bán hàng. Một bạn học trung cấp kế toán sẽ làm ở vị trí tốt hơn ví dụ nhân viên thủ quỹ tại công ty tư nhân. Tại mức độ cao đẳng có thể làm tại công ty tư nhân. Tại mức cuối cùng sẽ có khả năng làm tại các công ty lớn và doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp tại mức độ nào sẽ tuyển người đúng theo mức độ đó vì họ không muốn trả tiền nhiều hơn cho những cái họ không cần từ nhân viên. Nếu các bạn là chủ cửa hàng quần áo, các bạn sẽ thích một cô bé lớp 12 học nghiệp vụ kế toán 3 tháng vừa đủ đáp ứng nhu cầu cửa hàng hơn là tuyển một cô trung cấp vượt yêu cầu và phải đối diện với rủi ro nhân viên nhảy việc. Một thực tế khác là xã hội hiện có nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ hơn những công ty có quy mô lớn. Hay nói cách khác, nhu cầu tuyển dụng kế toán ở cấp độ 1 và 2 sẽ nhiều hơn cấp độ 3 và 4. Cha mẹ không thể nào đổ tại trường đại học hay vai trò quản lý vì chính họ đã tự nguyện đóng tiền theo học. Chính vì tâm lý sính bằng cấp và quan niệm sai về nghề nghiệp đã dẫn tới phụ huynh và học sinh cố gắng thi lên các cấp độ vượt hơn năng lực của các em để có hư danh và ảo vọng về bằng cấp”.

Quý I: TP.HCM giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, trong quý I/ 2014, đã giải quyết việc làm cho 69.852 lao động, trong đó có  29.013 chỗ làm mới. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm và tư vấn hướng nghiệp miễn phí, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp tìm kiếm lao động. Đồng thời, đã tư vấn việc làm cho 11.985 người, hỗ trợ học nghề 610 người; xét duyệt 68 dự án vay vốn sản xuất kinh doanh từ Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 571 lao động với tổng số tiền là 4,852 tỉ đồng; xét duyệt 78 dự án từ Quỹ quốc gia về việc làm, giải quyết việc làm cho 734 lao động với tổng số tiền là 9,911 tỉ đồng . Tình hình hoạt động tại các doanh nghiệp trong quý I cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đồng thời, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến cuộc sống người lao động, chủ động xây dựng nhiều chính sách ưu đãi và thu hút lao động an tâm làm việc lâu dài tại doanh nghiệp nên số lao động đăng ký thất nghiệp giảm 7.615 người so cùng kì năm 2013.

Theo PLO, PLTPHCM, NLĐO