Xử phạt "mạnh" không thể chỉ trên... giấy

22/04/2014 07:29 AM


Điều 35, Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nêu rõ: người lao động bị phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng, buộc phải về nước, không được đi làm việc tại nước ngoài từ hai đến năm năm, nếu có các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi làm việc; nhập cảnh nước tiếp nhận lao động nhưng không đến nơi làm việc; lôi kéo lao động Việt Nam khác ở lại cư trú bất hợp pháp. Việc ban hành Nghị định 95 khiến tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại một số thị trường, nhất là hai thị trường trọng điểm là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) giảm rõ rệt. Trước thời điểm gia hạn xử phạt ngày 10-3, khoảng hơn 3.000 người, chiếm 15% tổng số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc tự nguyện về nước; hơn 2.000 lao động bất hợp pháp tại Đài Loan (Trung Quốc), làm thủ tục về nước, số lao động bỏ trốn phát sinh giảm đáng kể.

Tuy nhiên, thời gian gia hạn xử phạt đã hết, cũng là lúc các cơ quan chức năng đối mặt với không ít thách thức đang được đặt ra, từ việc ra quyết định xử phạt đến việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Theo Thông tư liên tịch 32 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Ngoại giao hướng dẫn trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm theo Điều 35 nêu trên, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt và gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt, về địa phương cư trú của người lao động để thi hành... Nhưng trên thực tế, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chỉ có thể ra quyết định xử phạt dựa trên danh sách lao động bỏ trốn do các doanh nghiệp cung cấp. Việc thi hành quyết định xử phạt như bắt người lao động nộp phạt tại nước ngoài chỉ có thể thực hiện khi các nước sở tại tổ chức các đợt truy quét lao động bất hợp pháp và trao trả về nước. Đối với trường hợp người bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, thì việc cưỡng chế thi hành cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, số tiền người lao động ký kết bảo lãnh trước khi đi làm việc tại nước ngoài ở một số thị trường thấp hơn nhiều so với số tiền xử phạt. Hiện tại, chỉ mới có thị trường Hàn Quốc thực hiện mức ký quỹ 100 triệu đồng từ tháng 12-2013...

Mặc dù Nghị định, thông tư hướng dẫn chính thức triển khai hơn một tháng sau thời gian gia hạn xử phạt, vẫn chưa có đối tượng lao động vi phạm nào bị xử phạt. Có thể nói, cả lao động bỏ trốn cũng như người lao động chưa hết hạn hợp đồng đều đang chờ "động thái" từ các cơ quan chức năng. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý lao động trong và ngoài nước, chính quyền địa phương cần phối hợp nhiều biện pháp và tiến hành xử phạt nghiêm khắc nếu không việc xử phạt sẽ chỉ mạnh trên "văn bản" và dễ làm "bùng nổ" việc phát sinh thêm số lượng lao động bỏ trốn tại các thị trường lao động trọng điểm.

Theo Báo Nhân dân