Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

06/08/2013 09:41 AM


Bắt đầu từ ngày 1-8-2013, trong 2.184 giá dịch vụ khám chữa bệnh, Hà Nội bắt đầu tăng giá 712 dịch vụ. Việc tăng viện phí ở thời điểm này là cấp bách, không thể chần chừ thêm nữa. Dù chất lượng khám chữa bệnh sau ngày mở rộng địa giới hành chính Thủ đô có tăng, nhưng người dân vẫn mong muốn dịch vụ y tế mới phải tương xứng với mức tăng viện phí mới...

Chất lượng phải tăng cùng viện phí mới

Hà Nội là địa phương gần cuối cùng điều chỉnh giá viện phí (chỉ trước Thành phố Hồ Chí Minh) với 712 dịch vụ khám chữa bệnh được điều chỉnh. Cụ thể, đối với khung giá khám bệnh, kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện loại I được điều chỉnh từ 25.000 đồng lên 100.000 đồng đối với danh mục khám, cấp giấy chứng thương, giám định y khoa; từ 37.000 đồng lên 100.000 đồng đối với khám sức khỏe toàn diện lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ. Đối với khung giá một ngày giường bệnh, mức giá giường bệnh hồi sức cấp cứu (chưa bao gồm chi phí sử dụng máy thở) tại bệnh viện hạng I được điều chỉnh từ 15.000 đồng/ngày lên 113.000 đồng/ngày; các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, nhi, tiêu hóa, thận học, nội tiết điều chỉnh từ 9000 đồng/ngày lên 60.000 đồng/ngày. Các khoa cơ-xương-khớp, da liễu, dị ứng, tai - mũi - họng, mắt, răng hàm mặt, ngoại, phụ sản không mổ, điều chỉnh từ 7000 đồng/ngày lên 53.000 đồng/ngày...


BHYT sẽ làm giảm gánh nặng cho người nghèo khi tăng giá viện phí

Với mức giá như vậy, bà Lưu Thị Liên, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, giá viện phí điều chỉnh lần này cũng mới chỉ tính đúng chứ chưa thể tính đủ các chi phí thực tế như tiền công, tiền lương, tiền đào tạo, chuyển giao công nghệ, tiền khấu hao nhà cửa, trang thiết bị không có trong cơ cấu giá này. Nếu trước đây, các bệnh viện công của Hà Nội đều phải bù lỗ do giá viện phí quá thấp thì sau khi áp dụng giá viện phí mới, các cơ sở y tế sẽ bớt khó khăn hơn.

Bà Liên cũng cho biết thêm, để đáp ứng quyền lợi cho người bệnh khi điều chỉnh giá viện phí, thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế được phép áp dụng giá điều chỉnh phải dành tối thiểu 15% số thu từ dịch vụ khám bệnh để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang thiết bị điều hòa, máy vi tính, các dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa… cho các phòng khám, buồng khám và 15% đối với số thu từ dịch vụ ngày giường điều trị để sửa chữa nâng cấp, cải tạo, mở rộng các buồng bệnh, tăng số lượng giường bệnh; mua bổ sung, thay thế các tài sản, dụng cụ khám bệnh theo các chuyên khoa trang bị cho các buồng bệnh để nâng cao chất lượng dịch vụ.

BHYT là cứu cánh cho người nghèo

Đối với các bệnh viện thì tăng viện phí lần này là phù hợp để tránh việc ngân sách phải bù cho các bệnh viện quá lớn. Nhưng đối với người dân, việc tăng viện phí là một “cú sốc” không nhỏ, nhất là với người nghèo và người không có BHYT.

Tại nhiều bệnh viện, không ít người lo lắng trước thông tin giá viện phí sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, viện phí mới không ảnh hưởng đến những người có thẻ BHYT và được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Với những người có BHYT và phải cùng chi trả 20% (chiếm phần lớn số người tham gia BHYT hiện tại), thì chi phí tăng thêm cho mỗi lần khám chữa bệnh cũng không đáng lo ngại lắm. Riêng với người nghèo (được cấp sổ hộ nghèo) thì khi khám chữa bệnh đã được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí. Đồng thời, Nhà nước cũng đã nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo từ 50% lên 70% từ năm 2012. Như vậy, người nghèo đã được cấp thẻ BHYT miễn phí, người cận nghèo đã được hỗ trợ tối thiểu 70% để mua thẻ BHYT. Do vậy, gánh nặng viện phí tăng sắp tới chủ yếu ảnh hưởng đến những người có thu nhập ở mức “trên nghèo” và chưa tham gia BHYT. Như vậy, có thể nói, bảo hiểm y tế là "phao cứu sinh" cho bệnh nhân nghèo khi điều chỉnh giá viện phí. Thế nhưng, trên thực tế, việc triển khai bảo hiểm y tế cho người nông dân vẫn đang gặp khó khăn. Hiện nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi... nhưng tỷ lệ nông dân tham gia BHYT còn rất thấp. Nên chăng cần có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng này, đồng thời tiến tới BHYT toàn dân để giảm bớt khó khăn cho người nghèo khi khám chữa bệnh và giảm bớt khó khăn cho cả các cơ sở y tế.

Thực tế cho thấy, để tự “cứu” mình khi giá viện phí tăng, những người không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc nên mua BHYT tự nguyện, để được chi trả phần lớn viện phí khi ốm đau. Việc tham gia BHYT tự nguyện cũng là thực hiện lộ trình BHYT toàn dân theo chủ trương của Nhà nước. Khi hầu hết người dân đã tham gia BHYT thì viện phí tăng sẽ không còn là vấn đề người dân phải băn khoăn.

Tính đến 15-7-2013, Hà Nội  có 2.518 cơ sở tư nhân, trong đó có 29 bệnh viện, 185 phòng khám đa khoa, 1.352 phòng khám chuyên khoa, 246 cơ sở dịch vụ y tế và 706 cơ sở y học cổ truyền. Hà Nội có 41 bệnh viện công, 1 trung tâm giám định y khoa, 1 trung tâm bác sỹ gia đình, 4 nhà hộ sinh và 577 trạm y tế xã, phường.

Trong giai đoạn 2009-2013, Hà Nội đã đầu tư 3.186 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế xã, phường. Tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ tăng từ 86% năm 2008 lên 90% năm 2012. Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế của Hà Nội tăng từ 76% vào năm 2008 lên 98,8% vào năm 2012. Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Theo Thu Hương (QĐND)