Báo động tình trạng nợ bảo hiểm thất nghiệp

16/10/2013 09:41 AM


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực thi hành, đã giúp bù đắp một phần thu nhập để người lao động mất việc duy trì cuộc sống, đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động, nhất là trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay.


Tình trạng nợ BHTN tăng ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động

Theo số liệu báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) liên tục tăng qua các năm, năm 2009 có 5,993 triệu người tham gia BHTN; năm 2010 là 7,206 triệu người, tăng 20,24% so với năm 2009; năm 2011, số người tham gia BHTN là 7,968 triệu người; năm 2012 con số người tham gia đã tăng trên 8,3 triệu người; Tính đến tháng 8 năm 2013, số người tham gia là trên 8,4 triệu người.

Người lao động đăng ký thất nghiệp tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, kinh tế phát triển, có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Qua thống kê cho thấy, hằng năm, số người đăng ký thất nghiệp trên toàn quốc tăng từ tháng 1 đến tháng 3, sau đó giảm dần đến tháng 6; tháng 7 tăng nhẹ và có xu hướng giảm từ tháng 8 đến tháng 12 hằng năm.

Về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, tính đến ngày 20/9/2013, số lượt người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.213.757 người, bằng 91% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN. Trong đó, có 17.328 người thuộc khu vực sự nghiệp công được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp của người thất nghiệp, năm 2012 có 177.652 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng (chiếm 42% số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp) và 9 tháng năm 2013, số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian 6 tháng chiếm 50,6% số người được hưởng.

Ngoài ra, đến nay, các Trung tâm Tư vấn, giới thiệu việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 984.509 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm hơn 81% tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Cường- Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH Việt Nam), những điểm hạn chế, tồn tại của chính sách BHTN hiện nay đó là nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan ban ngành, tổ chức về chính sách BHTN còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, chưa biết điều kiện để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Đặc biệt, tình trạng nợ đóng BHTN là khá lớn: Nếu như năm 2011, số nợ đọng BHTN là 172 tỷ đồng, thì đến năm 2012, số nợ đóng BHTN là 365,45 tỷ đồng, trong đó nợ ngân sách là 223,39 tỷ đồng (chiếm 61,13% tổng số nợ). Trong năm 2013, tính đến tháng 8, số nợ là trên 600 tỷ đồng, trong đó phần hỗ trợ 1% từ NSNN nợ gần 303 tỷ đồng và đơn vị sử dụng lao động nợ 292 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, một số địa phương gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân chủ quan như: ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động chưa cao, việc chuyển kinh phí từ ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHTN còn chậm và quy định về xử lý vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội nói chung và BHTN nói riêng còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...

Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho người lao động còn diễn ra hoặc lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc với người lao động dưới 12 tháng để không phải đóng BHTN cho người lao động. Điển hình tại TP. Hồ Chí Minh, theo phản ánh của cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố thì hiện nay không xác định được hết số doanh nghiệp và người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN trên địa bàn thành phố do số lượng này quá lớn.

Từ thực tế này, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra kiến nghị: Để tăng cường tính bền vững, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia BHTN đến đối tượng lao động có hợp đồng lao động từ 3 đến dưới 12 tháng, các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng dưới 10 lao động, lao động chưa có quan hệ lao động được tham gia BHTN, theo chính sách đặc thù, như: Lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài chưa tham gia BHTN; Học sinh đang học tập và đào tạo tại các cơ sở dạy nghề, các trường chuyên nghiệp...

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu đảm bảo điều kiện cho người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp; đảm bảo mức tiền lương tham gia BHTN của người lao động phải là mức lương theo quy định tại Điều 90 Luật Lao động sửa đổi năm 2012.

Là địa phương có tỷ lệ người lao động cao nhất cả nước, qua tình hình thực tế, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách BHTN vẫn chưa đi đúng với bản chất của một chính sách an sinh xã hội mà chỉ mới thể hiện việc tạm thời thay thế trợ cấp thôi việc hoặc mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc hạn chế đối tượng tham gia thể hiện sự phân biệt giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người lao động với người lao động. Do đó, nếu chính sách BHTN được áp dụng thống nhất sẽ tốt hơn nhiều so với trợ cấp thất nghiệp riêng lẻ của từng công ty, nhất là những công ty nhỏ hay đang gặp khó khăn về tài chính.

Theo Báo Bảo vệ Pháp luật