Giảm giờ làm nâng năng suất

15/10/2013 09:35 AM


Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thời gian làm việc trung bình vào loại khá cao trên thế giới - 49,3 giờ/tuần.


Thời gian làm việc trung bình năm 2012 ở các doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện vào khoảng 48 giờ/tuần, tăng 0,12% so với năm trước đó. Đối với khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), con số là 49,3 giờ/tuần, tăng 0,61%.

Những con số đó được lấy ra từ Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 vừa diễn ra tại Huế. Thời gian lao động bình quân 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có thời gian làm việc trung bình vào loại khá cao trên thế giới, tương tự Bangladesh, Malaysia, Thái Lan hay Sri Lanka. Đối với các quốc gia phát triển như Đức hay Anh, người lao động chỉ phải làm việc khoảng 37,5 giờ/tuần.

Đương nhiên, ai cũng đều muốn làm một công việc nhàn hạ mà lương vẫn cao. Nhưng chỉ những doanh nghiệp ở phương Tây mới có thể cung cấp được 2 yếu tố này. Còn ở Việt Nam, điều đó vẫn còn là ước muốn của bao người. Lý do đơn giản là năng suất lao động ở đây vẫn còn quá thấp.

Năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng suất lao động của Việt Nam tăng chậm. Đặc biệt, trong 5 năm sau khi gia nhập WTO năng suất lao động lại tăng thấp hơn nhiều so với 5 năm trước khi gia nhập WTO, từ 5%/năm giảm xuống còn 3,4%/năm.

Trong khi đó, tỉ lệ tăng lương trong 5 năm sau khi gia nhập WTO là 26,8%/năm. Nếu trừ tỉ lệ lạm phát, con số đó sẽ là 14,2%/năm, vẫn cao hơn so với mức 8,8%/năm trước khi gia nhập WTO. Theo kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng lương luôn cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động.

Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó giảm giờ làm ngay được. Nhưng khi năng suất lao động thấp được bù lại bằng thời gian làm việc dài, tâm lý người lao động và gia đình của họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Đó là chưa kể đến những tác động tiêu cực tiềm tàng đến doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.

Một nghiên cứu mới đây của công ty dịch vụ bất động sản Bỉ Regus về Chỉ số cân bằng công việc và cuộc sống cho thấy có đến 72% doanh nghiệp trên toàn cầu tin rằng thời gian làm việc linh hoạt, chứ không phải thời gian làm việc ít, sẽ giúp người lao động nâng cao năng suất và ích lợi của nó sẽ không chỉ dừng lại ở việc giữ chân nhân tài.

Theo ông Serge Dupaux, Tổng Giám đốc Regus Việt Nam, mong muốn về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động là hoàn toàn chính đáng. Hơn một nửa số người được khảo sát cho biết họ từng từ chối một lời mời làm việc vì lo ngại nó ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày.

Trong cùng một doanh nghiệp, không phải ai cũng có thể lựa chọn cường độ làm việc cho riêng mình. Nghiên cứu của Regus đã chỉ ra rằng các chủ doanh nghiệp có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn nhân viên. Theo đó, 74% các chủ doanh nghiệp yêu thích công việc của họ hơn so với 1 năm trước đây, trong khi tỉ lệ này đối với những người làm công ăn lương chỉ là 66%. Sự khác biệt ở đây là vì các doanh nhân có thể tự quyết định thời gian, địa điểm cũng như khối lượng công việc của họ.

Như vậy, theo ông Serge, một trong những giải pháp các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng là cho phép nhân viên linh hoạt thời gian làm việc phù hợp với lối sống của họ và cho phép họ tự chọn địa điểm làm việc nhằm hạn chế thời gian di chuyển. Không chỉ tạo điều kiện cho nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự linh hoạt này còn giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực không mong đợi lên năng suất như kẹt xe hay bệnh tật do ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, chỉ có 49% số người tham gia khảo sát của Regus cho biết doanh nghiệp của họ có nhiều nỗ lực giảm thiểu thời gian đi lại của nhân viên. Đây là một tỉ lệ tương đối khả quan và cao hơn năm trước.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các ông chủ doanh nghiệp thường rất dễ nghĩ rằng đây không phải là lúc thích hợp để triển khai những chính sách làm việc linh hoạt. Dù vậy, đây lại là thời điểm các nhân sự chủ chốt trong công ty có thể giúp quyết định thành bại của cả doanh nghiệp. “Việc cho phép nhân viên làm việc theo cách của họ, tại nơi họ muốn đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Serge khẳng định.

Trường hợp của Hàn Quốc là ví dụ điển hình để tham khảo cho xu hướng quản trị mới này. Năm 2010, thời gian làm việc trung bình hằng năm của nhân viên ở Hàn Quốc là 2.913 giờ, tương đương 56 giờ/tuần, cao nhất trong khối các nước thuộc OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế gồm thành viên là các quốc gia phát triển). Tuy nhiên, năng suất trên một lao động của Hàn Quốc lúc đó chỉ bằng 46,2% so với Mỹ và bằng 61,9% so với mức trung bình của OECD. Hàn Quốc chỉ đứng thứ 28 trong số 34 quốc gia thành viên OECD về năng suất lao động.

Khi đó, Chính phủ Hàn Quốc quyết tìm cách đẩy mạnh năng suất bằng cách thay đổi quan niệm lỗi thời rằng người lao động phải làm việc nhiều giờ để bù lại năng suất lao động thấp. Không chỉ giảm thời gian làm việc, Hàn Quốc còn yêu cầu các chủ doanh nghiệp phải cùng với người lao động tìm ra cách sử dụng thời gian hiệu quả hơn.

Đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm số lượng giờ làm và nâng cao điều kiện lao động cho nhân viên. Trong năm 2011, 65 doanh nghiệp đã tiếp nhận các dịch vụ nói trên. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phát triển chương trình giáo dục cho người lao động cách giảm bớt thời gian làm việc và cung cấp các khóa học cho các giám đốc, nhà quản lý phụ trách nhân sự.

Nước này còn quyết định tăng tiền trợ cấp hằng năm giúp doanh nghiệp cải cách chế độ ca làm việc của họ từ 7,2 triệu won lên 10,8 triệu won và mở rộng thời gian nhận trợ cấp lên 2 năm so với 1 năm như trước đó. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn thông qua các chính sách mới cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt hơn, cũng như cho phép người lao động tích lũy thời gian làm việc ngoài giờ, làm việc vào ngày nghỉ và sử dụng chúng để nghỉ sau này.

Theo Báo Nhịp cầu Đầu tư