Chăm sóc sức khỏe người nghèo vùng sâu, vùng xa

10/10/2013 08:50 AM


Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.


Các chính  sách  có  thể  chia  thành ba nhóm: Giải quyết các vấn đề sức khỏe của người dân; tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản; giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, tăng khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản  cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tăng cường đáng kể thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất; cung cấp  trang thiết  bị thiết yếu và đào tạo, cập  nhật  kiến thức cho cán bộ tại chỗ. Nhiều dịch vụ và kỹ thuật y tế được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao về tuyến dưới. Y tế cơ sở đã cung cấp  khoảng 80% lượng dịch vụ y tế phục vụ người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhiều địa phương tổ chức các đội y tế lưu động, thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người dân vùng khó khăn còn được thể hiện qua các chính sách tài chính y tế vĩ mô (tăng ngân sách nhà nước cho  y tế, phân bổ ngân sách ưu tiên cho vùng nghèo, phát triển bảo hiểm y tế...) và các chính sách hỗ trợ  cụ  thể (cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí; thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại, hỗ trợ đồng chi trả...) cũng được triển khai giúp giảm gánh nặng chi phí y tế cho người nghèo. Nhờ đó, đến nay nhiều vấn đề sức khỏe của người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa được giải quyết kịp thời, như: Giảm tỷ lệ người mắc các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng và suy dinh dưỡng; giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em...

Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe cho các nhóm đối tượng nêu trên đang đối diện với những khó khăn: Kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền làm tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu rất lớn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế khu vực này thiếu và chưa đồng bộ; số cán bộ có trình độ chuyên sâu, nhất là cán bộ người địa phương thiếu trầm trọng; việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế gặp nhiều bất cập... Công tác phòng, chống dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phong tục, tập quán lạc hậu. Ðáng chú ý, do thiếu thông tin về chính sách bảo hiểm y tế cho nên tần suất khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân vùng khó khăn thấp. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn còn những khoảng cách, đòi hỏi phải có giải pháp can thiệp cụ thể để nâng cao chất lượng dân số...

Nhằm làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn, đòi hỏi Nhà nước cũng như các bộ ngành liên quan cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động này. Ðồng thời xây dựng những chính sách đặc thù trong chăm sóc sức khỏe đối với từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể. Thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp chính sách về tài chính; đầu tư; đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; chính sách đặc thù đối với chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho các đối tượng nêu trên; tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế... giảm gánh nặng chi phí y tế cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến, nhất là trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa; phát triển mô hình đội y tế lưu động để triển khai các hoạt động khám, chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa. Xây dựng và áp dụng chế độ, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế cho vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ bản cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số..

Theo Báo Nhân dân