BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI, CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN

10/01/2014 09:14 AM


Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014 như: phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đề ra 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục ổn định  kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Bảo đảm An sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tải nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại tố cáo;Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế; Tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm An sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, Chính phủ yêu cầu:

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Bộ luật lao động, Luật việc làm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động ở nông thôn. Tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ và tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu lao động truyền thống; đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường mới, nhất là thị trường có thu nhập cao và an toàn cho người lao động. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động. Tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện lao động, an toàn, bảo hộ lao động. Quản lý chặt chẽ lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Rà soát tổng thể, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng ATK, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư; tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, trợ giúp pháp lý. Phối hợp với Ủy ban Dân tộc đẩy mạnh triển khai thực hiện chiến lược, chương trình hành động về công tác dân tộc. Rà soát, bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là về lương thực, phát triển chăn nuôi và trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo.Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công, tổ chức tổng rà soát thực hiện chính sách này theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai có hiệu quả Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương rà soát và hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình người có công đang ở nhà tạm hoặc nhà bị hư hỏng nặng. Đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công"; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của người có công với cách mạng. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế, tạo điều kiện để các đối tượng này khắc phục khó khăn, cải thiện mức sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, nhân đạo phi Chính phủ và sử dụng có hiệu quả các quỹ từ thiện; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ đối tượng yếu thế trong xã hội. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), ban hành các văn bản về chính sách BHXH, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung. Mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách BHXH, BHTN. Nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ có trọng điểm cho đối tượng tự nguyện tham gia BHXH. Tăng cường công tác thanh tra, có chế tài đủ mạnh để chủ sử dụng lao động phải đóng BHXH cho người lao động. Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ về giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động trong các doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc phải ngừng hoạt động. Chỉ đạo BHXH Việt Nam khẩn trương hướng dẫn thực hiện Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ.

- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh việc triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nhà ở cho người có công và các đối tượng khó khăn về nhà ở ở nông thôn, đô thị và các khu công nghiệp... Nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ứng phó với bão ở các tỉnh Duyên hải.

- Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các chính sách tái định cư khi xây dựng các công trình thủy điện, đề xuất biện pháp hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, bảo đảm nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo bền vững.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn chỉnh khung pháp lý và điều kiện thuận lợi trong việc cung cấp tín dụng hỗ trợ, bảo đảm nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác theo quy định.

- Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao: Thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông - lâm - ngư đối với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào khu vực biên giới, hải đảo. Thực hiện hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện tổng thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Xây dựng và ban hành quy định về công tác phối hợp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nhằm xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong tổ chức thực hiện.Theo dõi sát tình hình thiếu đói giáp hạt, thiệt hại do thiên tai để chỉ đạo kịp thời hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống và sản xuất.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

- Về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, rà soát hoàn thiện các thể chế, cơ chế, chính sách về y tế. Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động phòng chống, không để xảy ra dịch lớn. Bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, mở rộng điều trị bằng Methadone và các hình thức cai nghiện có hiệu quả. Thực hiện mục tiêu ba không "không có người nhiễm mới HIV, không có người chết vì AIDS và không kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS". Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện theo Đề án đã được phê duyệt. Triển khai xây dựng một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các bệnh viện sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA. Thực hiện Đề án đưa bác sỹ trẻ về công tác tại các huyện nghèo. Tăng cường tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh và BHYT. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT hướng tới BHYT toàn dân, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng chính sách BHYT để trục lợi. Phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Quốc hội bổ sung vào Bộ luật hình sự một số tội danh như trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền đóng BHXH, BHYT của người lao động; gian lận, lập hồ sơ giả để trục lợi BHXH, BHYT. Tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở y tế và quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, dược phẩm, vắc-xin; thanh tra, kiểm tra toàn diện các cơ sở dịch vụ y tế, hệ thống phân phối bán lẻ dược phẩm, thuốc chữa bệnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng thuốc chữa bệnh và việc đấu thầu cung ứng thuốc vào các bệnh viện công lập, bảo đảm hiệu quả điều trị và giá hợp lý. Kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn các sai phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của bệnh nhân, khách hàng. Tăng cường nhân lực y tế chất lượng cao và đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ y tế; kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cá nhân không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ thầy thuốc ./.

Nguồn TC BHXH