Thuốc Việt: Ai dùng?

10/01/2014 08:40 AM


Cuối năm 2013, Chương trình "Con đường thuốc Việt” được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tổ chức một lần nữa lại góp thêm tiếng chuông kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Người bệnh mua và dùng thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ chứ không có quyền lựa chọn

Thuốc Việt, theo như Cục trưởng Cục Quản lý Dược Trương Quốc Cường, bước đầu đã tự khẳng định được mình qua việc hình thành và đi vào hoạt động 121 nhà máy sản xuất thuốc trong nước đạt tiêu chuẩn GMP; nhiều sản phẩm dược Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã chọn những nhà máy sản xuất thuốc trong nước để sản xuất nhượng quyền hoặc gia công sản phẩm để xuất khẩu… Tuy nhiên, thuốc nội chỉ chiếm được gần 50% chi phí thuốc cho người bệnh. Số này giảm dần trên các tuyến đến mức chỉ còn từ 5 - 10% tại các bệnh viện tuyến trên cùng.

Về nguyên nhân của thực trạng này, mọi người đều biết cả. Nào là do tâm lý sính dùng hàng ngoại nói chung ở ta tồn tại từ bấy lâu nay, do công tác truyền thông, quảng bá chưa tích cực, hiệu quả, do các doanh nghiệp ở ta chưa dám "vươn ra biển”, đón đầu tương lai của ngành dược thế giới bằng nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc đặc trị có hàm lượng chất xám cao… Nhưng, làm thế nào để giải quyết được vấn đề này?

Từ góc độ của người sản xuất, bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trafaco cho rằng: Chỉ cần được Nhà nước cho cơ chế tự chủ một cách thực sự. "Không thể yêu cầu một sản phẩm tốt nhất mà giá lại thấp nhất được” - bà nhấn mạnh như vậy khi nói về cơ chế kiểm soát giá của Bộ Y tế. Từ góc độ nhà quản lý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ ra rằng: Làm thế nào để các doanh nghiệp được nới lỏng hơn quy định về chi phí quảng cáo, ít nhất cũng phải được bình đẳng với thuốc ngoại trên lĩnh vực này, được chi đến 30% cho quảng cáo.

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, thị trường dược phẩm là thị trường không hoàn hảo mà ở đó, người bệnh, tức người tiêu dùng, không có quyền lựa chọn. Việc lựa chọn này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ. Cho nên, theo ông, việc thể chế hóa cơ chế như Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan đề xuất là hoàn toàn cần thiết. Về công tác truyền thông cho dược nội, tại các BV, vẫn không có biên chế nhân sự nào cho công tác này mà đây vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các trình dược viên từ bên ngoài thỏa sức tung hoành.

Khi được phỏng vấn nhanh qua điện thoại, TS. Viên Văn Đoan - Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Bạch Mai thay vì trả lời, ông hỏi ngược lại phóng viên: "Thế ông có muốn dùng thuốc nội không?”. Thấy tôi cười trừ, im lặng, ông nói tiếp: "Trước câu hỏi này của tôi, Giám đốc Bảo hiểm Y tế TP Hà Nội cũng im lặng như ông. Là vì sao? Vì vấn đề chất lượng”. Với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức, "Thuốc nào thì thuốc nhìn từ góc độ của người thầy thuốc, chúng tôi đều ủng hộ. Vấn đề là ở chỗ nó có tốt hay không, chữa được bệnh không mà thôi?”.

Không phải ngẫu nhiên mà những người thầy thuốc trút bầu tâm sự chân thành như vậy. Bất kể vấn đề gì liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe con người đều là hệ trọng. Xác định như vậy, các thầy thuốc có tâm có tài đều ý thức được sự lựa chọn cho bệnh nhân nên và phải dùng thuốc nào cho hiệu quả cả về y tế và kinh tế khi khám chữa bệnh cho họ. Không thể hô hào ủng hộ thuốc Việt bằng những lời nói suông, mà phải bằng những hành động mạnh mẽ. Để giải quyết bài toán "Con đường thuốc Việt”, nhất thiết phải tiến hành đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thị trường. Như vậy mới là cách làm sâu xa và bền vững, các chuyên gia khuyến cáo.

Theo Báo Đại đoàn kết