Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần có giải pháp mạnh hơn để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật và quyền lợi của người lao động

26/06/2014 03:54 AM


Hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn. Do vậy, cần phải có giải pháp mạnh hơn để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Theo nhiều ĐBQH thì một trong những giải pháp này là tăng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thanh tra thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội.

ĐBQH Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng): Cơ quan bảo hiểm xã hội cần có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm luật đóng, hưởng bảo hiểm xã hội

Về chức năng thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tôi đề nghị sửa khoản 3, Điều 21, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như sau: cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm luật đóng, hưởng bảo hiểm xã hội. Vì thực tế những năm gần đây, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được quyền xử phạt nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm không được xử lý mà kiến nghị cấp có thẩm quyền làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời.

Mặt khác, từ khi Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có hiệu lực thi hành từ tháng 1.2007 đến nay, mặc dù thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có rất nhiều cố gắng nhưng do lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, nên tình trạng vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội như nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội ngày một gia tăng. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 11.000 tỷ đồng nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, an toàn quỹ bảo hiểm xã hội và chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là tội chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động nhằm ngăn ngừa tình trạng trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động có xu hướng gia tăng nghiêm trọng hiện nay.

ĐBQH Lê Thành Nhơn (Bình Dương): Tôi đồng tình bổ sung quyền được thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm xã hội.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã đưa đối tượng hợp đồng lao động dưới 3 tháng vào diện bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng đây là một điều mới và rất nhân đạo. Tuy nhiên trong thực tế tôi thấy rằng việc này rất khó thực hiện, do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình và có phương thức để triển khai phương án này cho có hiệu quả. Vấn đề quan trọng là hiện nay còn trên 5 triệu lao động thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chúng ta chưa thu được.

Tôi đồng tình bổ sung quyền được thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm xã hội. Vì bảo hiểm xã hội là một tổ chức tài chính làm nhiệm vụ thu, chi và tăng trưởng quỹ cho hàng mấy chục triệu người lao động. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, không đơn thuần là một tổ chức sự nghiệp. Do đó, cơ quan bảo hiểm xã hội được quyền thanh tra.

Về tuổi nghỉ hưu, đã được Bộ luật Lao động quy định và có hiệu lực từ năm 2013 nhưng không hiểu vì sao Ban soạn thảo lại tiếp tục đưa tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tôi nhận thức rằng tuổi nghỉ hưu và tuổi lao động là một. Ở đây Luật Bảo hiểm xã hội chỉ bàn những điều kiện để được nghỉ hưu chứ không bàn đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, tôi thấy rằng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Tờ trình của Ban soạn thảo chưa thuyết phục.

Mặt khác, việc lớn nhất là Ban soạn thảo cần tập trung thu để tăng chi là cái gì thì không nói rõ. Hiện nay còn trên 5 triệu người bằng 1/3 số lao động phải đóng bảo hiểm xã hội trong diện bắt buộc nhưng chưa đóng được. Tôi đề nghị Ban soạn thảo lưu ý và có biện pháp trong Luật này để thu cho đầy đủ. Mặt khác, Ban soạn thảo cũng chưa có khảo sát nào đối với đối tượng lao động chân tay ở các khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay hàng triệu người lao động ở các ngành dệt may, giày da, thủy sản, cao su, công nhân vệ sinh thì trong 5 năm, 10 năm nữa chưa thể đáp ứng được yêu cầu tăng tuổi làm việc như đề nghị của Ban soạn thảo. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét và tạm dừng phương án tăng tuổi đối với người lao động ở trong khu vực này.

Nguồn Đại biểu nhân dân