Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII: Nên tăng thẩm quyền cho cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thanh tra, thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội

17/06/2014 09:16 AM


Theo báo Đại biểu Nhân dân, chiều 16/6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, QH đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).


Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc). Nguồn: Internet

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số ĐBQH tán thành với mục tiêu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Theo ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), việc sửa đổi Luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động nước ta tham gia bảo hiểm xã hội. Bảo đảm an toàn, cân đối quỹ bảo hiểm xã hội thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên mức đóng và tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội để bảo đảm cân đối với thời gian hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động. Tuy nhiên, ĐB Hồ Thị Thủy cũng lưu ý, Luật Bảo hiểm xã hội có liên quan thường xuyên, trực tiếp đến hàng triệu lao động, do vậy yêu cầu sửa đổi luật cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng thuận lợi cho cả cơ quan bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội. Luật cũng cần quy định một cách minh bạch chặt chẽ về thẩm quyền, rõ chức năng, rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản lý quỹ cũng như trách nhiệm của cơ quan trong việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát công khai quỹ bảo hiểm xã hội. Giao sổ bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội trực tiếp quản lý.

Đối với quy định về thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, hiện nay, tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn, cần có giải pháp mạnh hơn để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người lao động. Với bộ máy thanh tra hiện có, ngành lao động, thương binh và xã hội không đủ điều kiện để bảo đảm công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tán thành với việc tăng thẩm quyền cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ĐB Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) nêu rõ vì cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn, liên quan đến an sinh xã hội. Do vậy, không nên xem Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đơn thuần như các cơ sở y tế, giáo dục... mà là một tổ chức tài chính, có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội. Luật cần quy định rõ chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa vì hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Nguồn ĐBND