Đề nghị xử lý 5.289 đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

17/06/2014 08:18 AM


Trước tình hình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT ngày càng gia tăng, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra liên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động.

Ngành BHXH Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, đề xuất bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung (Ảnh minh họa)

Trong 06 năm (từ 2008 đến 2013), qua các đợt kiểm tra, thanh tra liên ngành, đã phát hiện và đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 5.289 đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Các đơn vị vi phạm chủ yếu tập trung ở nội dung đóng, tham gia BHXH, hợp lý hóa hồ sơ để hưởng BHXH... Tuy nhiên đến nay mới chỉ xử phạt được 949 đơn vị (đạt 17,94%). Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn phức tạp, trong khi đó cơ quan BHXH là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách chỉ có quyền kiểm tra mà không có quyền xử phạt khi phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra.

Việc thực hiện quy định theo Thông tư số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 hướng dẫn thủ tục buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền chưa đóng, chậm đóng BHXH không có tính khả thi. Tính từ năm 2008 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố chưa có trường hợp nào áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản người sử dụng lao động theo Thông tư 03. Tình hình này ngoài nguyên nhân đơn vị tự giác truy nộp thì lý do chủ yếu là Thanh tra Sở LĐTBXH chưa đề xuất người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH theo quy định tại Thông tư 03.

Việc khởi kiện ra Tòa các đơn vị vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT chưa thực hiện được nhiều, tổ chức thi hành án hoạt động chưa hiệu quả. Thực tế trong các vụ kiện đòi nợ của BHXH Việt Nam, mặc dù các đơn vị đều thừa nhận nợ BHXH nhưng việc thu hồi tiền nợ còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, từ năm 2010 - 2013, BHXH đã khởi kiện 3976 doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa với số nợ là 1.788 tỷ đồng, tổng số tiền thu được trên 736 tỷ (trong đó số tiền thu được qua hòa giải là 266 tỷ, đạt tỷ lệ 15%; qua xét xử là 470 tỷ, đạt tỷ lệ 26%).

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải tăng các chế tài xử lý vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, cụ thể là hình sự hóa tội danh về BHXH, BHYT trong pháp luật hình sự nhằm đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đồng thời cần trao thẩm quyền thanh tra việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH Việt Nam để chủ động hơn trong việc thanh, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT./.

Nguồn TC BHXH