Giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều thách thức

17/06/2014 07:49 AM


Với quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói vào năm 2002 (sớm hơn 13 năm so với mục tiêu và sớm hơn 8 năm so với kết quả chung của toàn cầu). Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...


Cán bộ Đồn BP Na Loi, Nghệ An hướng dẫn gia đình anh Lương Mặn Hôm, bản Phiêng Lau, xã Na Loi trồng cỏ voi thoát nghèo.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2005-2012, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (chuẩn giai đoạn 2011-2015). Ở các xã và thôn, bản đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010; tại 62 huyện nghèo (Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP) giảm từ 58,33% năm 2010 xuống 43,89% năm 2012; tại 7 huyện nghèo (Quyết định 615/QĐ-TTg) giảm từ 43,56% năm 2011 xuống 30,13% năm 2012...

Có thể thấy, trong giai đoạn 2005 - 2012, tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 2,3 - 2,5%, diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng, trong đó tốc độ giảm nghèo khu vực thành thị nhanh hơn khu vực nông thôn (từ năm 1993 đến 2012, tỉ lệ nghèo thành thị giảm 4,6 lần trong khi khu vực nông thôn chỉ giảm 3 lần).

Các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo được thực hiện chủ yếu thông qua Ngân hàng chính sách xã hội gồm: 15 chương trình tín dụng dành cho người nghèo với mức lãi suất thấp cho khoảng gần 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.

Đến hết năm 2012, có gần 3,263 triệu hộ nghèo dư nợ với mức bình quân khoảng 16 triệu đồng/hộ, chiếm 53,1% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội.

Bên cạnh các chương trình tín dụng trực tiếp cho giảm nghèo, các chương trình tín dụng khác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng đã góp phần thúc đẩy quá trình giảm nghèo như: Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt tổng doanh số khoảng 2,5 triệu tỷ đồng (dư nợ cuối 2012 đạt 561.533 tỷ đồng); Chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi đầu tư kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề đạt gần 17 nghìn tỷ đồng và huy động nhân dân đóng góp được khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Thực hiện Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, gần 1,1 triệu lao động được tham gia học nghề, trong đó, trên 55 nghìn người thuộc hộ nghèo đã có việc làm ổn định (chiếm 44,1% số người nghèo được học nghề).

Thực hiện Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 (Quyết định 71/2009/QĐ-TTg), đã có hơn 20.000 lao động các huyện nghèo đăng ký tham gia, trong đó, khoảng 12.000 lao động được dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức; gần 8.500 lao động của 59/62 huyện nghèo đi làm việc tại các thị trường Ma-lai-xi-a, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (giai đoạn 2009 - 2012)...

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn cao; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng; việc lồng ghép chính sách và cân đối nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu; công tác quản lý và điều phối thực hiện chính sách giảm nghèo còn hạn chế.

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, một số đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những kết quả đạt được trong việc xóa đói giảm nghèo và đưa ra những đề xuất để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đề nghị, thời gian tới cần có chính sách mang tính đột phá, hướng tới việc tạo điều kiện để người nghèo có ý thức tự vươn lên, phấn đấu tự thoát nghèo.

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề xuất, cần có chính sách thu mua sản phẩm của hộ nghèo và cận nghèo, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo sau mỗi mùa vụ, để họ có điều kiện đầu tư cho mùa vụ sau.

Còn đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Nam) đề nghị, cần tiến hành điều tra, phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, dẫn đến tái nghèo theo các nhóm (nhóm hộ có khả năng lao động, phát triển sản xuất nhưng thiếu vốn, thiếu tư liệu, khó tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong sản xuất; nhóm bị ảnh hưởng thiên tai, địch họa, tai nạn, bệnh tật; nhóm hộ gia đình không có khả năng lao động, tức là những người già, người neo đơn, các đối tượng chính sách xã hội; nhóm có khả năng lao động, nhưng lười lao động).

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: Việc thi hành chính sách giảm nghèo, vẫn theo tư duy thực hiện chính sách cứu trợ hơn là chính sách kinh tế đối với một bộ phận dân cư. Với khoảng trên 10 triệu hộ nghèo được vay vốn với doanh số gần 200.000 tỷ đồng (2005-2012), nhưng chỉ có khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo.

Nguyên nhân là do khi cho vay thiếu sự hướng dẫn đối với người dân trong quá trình sử dụng vốn, dẫn đến nhiều nơi người dân sử dụng vốn vay vào việc mua sắm hàng hóa dành cho sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày, hoặc gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao.

Bên cạnh đó, chưa gắn giảm nghèo với việc xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, tạo sự đột phá tại các vùng dân tộc ít người, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Theo Báo QĐND