Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ đọng

12/11/2014 07:37 AM


Sáng 11/11/2014, tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh chủ trì cuộc họp giao ban nhiệm vụ công tác tháng 10/2014, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 11/2014. Tham dự giao ban có các đồng chí Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Nguyễn Minh Thảo và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Giao ban 111114.jpg

Theo báo cáo của Văn phòng BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2014: số người tham gia BHXH, BHYT là 63.759.251 người; số thu BHXH, BHYT là 156.623,8 tỷ đồng, đạt 81,02% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 28.380,6 tỷ đồng (22,1%) so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trong tháng 10/2014, số nợ BHXH, BHYT vẫn tiếp tục tăng khoảng 528,7 tỷ đồng so với số nợ tại thời điểm 30/9/2014, nâng tổng số nợ đến 31/10/2014 lên 10.772,8 tỷ đồng, chiếm 6,05% so với số phải thu. Trong tháng 10/2014, toàn Ngành đã giải quyết cho 765.685 lượt người hưởng chế độ BHXH; thực hiện chi trả chế độ  KCB BHYT cho 12.054.108 lượt người; ước thực hiện chi BHXH, BHYT là 17.378,9 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013; số người được cấp sổ BHXH tính đến 31/10/2014 là 11.019.928 người, đạt 96% số người tham gia BHXH; số thẻ BHYT đã phát hành còn giá trị sử dụng tính đến ngày 31/10/2014 là 63.545637 thẻ.

Trước tình trạng nợ đọng vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi toàn Ngành chỉ còn hai tháng cuối năm để dốc toàn lực, phấn đấu tận thu gần 37 nghìn tỷ đồng nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh chia sẻ băn khoăn về việc: liệu toàn Ngành có đảm bảo kế hoạch thu trong năm 2014 hay không?

Về những băn khoăn của Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Thu Trần Đình Liệu khẳng định, ngay từ đầu năm kế hoạch thu của Ngành đã được xây dựng phù hợp với tình hình thu thực tế tại các địa phương và từ giờ đến cuối năm, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam, với các biện pháp triển khai tích cực, sâu sát từ TƯ tới các địa phương, công tác thu của Ngành có khả năng đảm bảo hoàn thành kế hoạch đúng thời hạn. Ông Liệu cũng cho biết, hiện nhiều địa phương đã dốc toàn lực và tăng cường các giải pháp cụ thể để thu hồi nợ. Điển hình như BHXH Tp.Hồ Chí Minh đã phối hợp với Cục Thuế TP, triển khai chương trình phối hợp giữa hai ngành nhằm đôn đốc các DN nộp BHXH, theo đánh giá của BHXH TP, nếu thực hiện tốt nội dung này sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc đôn đốc các DN đóng BHXH và thu hồi nợ đọng trong thời điểm những tháng cuối năm.

Về một số mặt nhiệm vụ chính trị khác, trong tháng 10/2014, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Ủy Ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức thành công hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”; tổ chức buổi làm việc và báo cáo với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Ngành; tham dự 06 cuộc họp với Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế và tổ chức 05 cuộc họp với các đơn vị liên quan về các nội dung liên quan đến Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH và xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi; tổ chức tập huấn phần mềm kế toán BHXH (VSA) cho BHXH các tỉnh, thành phố; phối hợp với TƯ Hội LHPN Việt Nam, TƯ Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức 07 cuộc tư vấn đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho gần 1.000 đối tượng là công nhân, nông dân, hộ kinh doanh tại các tỉnh, thành phố; phối hợp với Đoàn Giám sát liên ngành của Ủy Ban TƯ MTTQ Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam giám sát việc chấp hành các quy định của Luật BHXH tại 04 tỉnh, thành phố;… Cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi phát động "Tháng cao điểm vì người nghèo" năm 2014 của Ủy Ban TƯ MTTQ Việt Nam, BHXH Việt Nam cũng đã trao tặng Quỹ Vì người nghèo 30 triệu đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các ban chuyên môn, nghiệp vụ đã tập trung chia sẻ, thảo luận về một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong tháng 11/2014 như: các biện pháp tăng cường công tác thu, phát triển đối tượng tham gia, giảm nợ đọng; công tác phối hợp với các Bộ, ngành chức năng trong việc cập nhật, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội và hoàn thiện việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHYT sửa đổi mà trước mắt là việc hướng dẫn triển khai cấp thẻ BHYT theo quy định mới của Luật; các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về việc chi trả chế độ cho NLĐ khi chủ DN bỏ trốn, phá sản, giải thể; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương kịp thời triển khai Quyết định 1018/QĐ-BHXH về việc sửa đổi một số nội dung tại các quyết định ban hành quy định quản lý thu, chi BHXH, BHYT nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính. Theo tinh thần của Quyết định 1018, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện xây việc trả kết quả tham gia BHXH cho đơn vị sử dụng lao động qua bưu điện, và ước tính mỗi tháng toàn Ngành sẽ phát sinh trên 100 tỷ đồng phí chi trả cước bưu điện. Đây là một con số không nhỏ và cần phải thiết kế phần kinh phí đảm bảo cho việc thực hiện công tác này.

Kết luận cuộc họp giao ban, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh yêu cầu trong tháng 11/2014: các ban chuyên môn, nghiệp vụ phải tăng cường chỉ đạo một cách quyết liệt tới BHXH các tỉnh, thành phố nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác trong năm 2014, trong đó phải đặc biệt chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp mạnh nhằm tăng thu, giảm nợ đọng; các Ban chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của BHXH các tỉnh, thành phố; các Ban liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế chuẩn bị tốt và kịp thời việc tổ chức thực hiện Luật BHYTsửa đổi; tăng cường triển khai một cách tích cực, đẩy mạnh công tác cải cách TTHC theo tinh thần của Quyết định1018/QĐ-BHXH, và giao Ban Kế hoạch- Tài chính xây dựng dự toán kinh phí trả kết quả tham gia cho đơn vị sử dụng lao động qua bưu điện gửi Bộ Tài chính, xin bổ sung nguồn kinh phí này; dự kiến cuối tháng 11, sẽ tổ chức Hội nghị toàn Ngành để triển khai một số mặt công tác cụ thể, theo đó, các Ban chủ động đăng ký nội dung cần triển khai và gửi Văn phòng tổng hợp để thiết kế và xây dựng chương trình hội nghị cho phù hợp với yêu cầu thực tế tại các Ban nói chung và các địa phương nói riêng; Trung tâm Công nghệ thông tin tiếp tục nghiên cứu bổ trợ các phần mềm nghiệp vụ hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố và các cơ sở KCB; triển khai thực hiện Kế hoạch chi tiết về các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Ngành;...

Trong tháng 10/2014:

* Tỷ lệ nợ của một số địa phương có số thu lớn là: Đà Nẵng 5,7%; Đồng Nai 5,9%, Bình Dương 6,1%; TP Hồ Chí Minh 6,6% và Hà Nội 7,0%.

* 10 địa phương tỷ lệ nợ so với số phải thu cao là: Hà Nội 7%; Cà Mau 7,1%; Bình Định 7,3%; Thái Nguyên 7,9%; Trà Vinh 8%; Sóc Trăng 8,5%; Lào Cai 8,9%; Ninh Thuận 9,6%; Bình Thuận 10% và Hòa Bình 12,9%.

* 10 địa phương tỷ lệ nợ so với số phải thu thấp là: Điện Biên 1,7%; Đồng Tháp 2,3%; Cao Bằng 3,1%; Lạng Sơn: 3,2%; Yên Bái 3,2%; Vĩnh Phúc 3,6%; Hà Giang 3,6%; An Giang 3,7%; Tuyên Quang 4% và Kiên Giang 4%.

Nguồn baohiemxahoi.gov.vn