Quy định mới về hoạt động Đại lý thu BHXH, BHYT

15/10/2014 09:48 AM


Ngày 01/10/2014, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 999/QĐ-BHXH quy định hoạt động Đại lý thu BHXH, BHYT. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/11/2014, những quy định trước đây trái với quyết định này đều bị bãi bỏ.


Tập huấn nghiệp vụ đại lý thu BHYT ở BHXH tỉnh Bình Thuận (ảnh minh họa)

Đối tượng áp dụng của Quy định hoạt động Đại lý thu BHXH, BHYT là tổ chức làm Đại lý thu cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng và tham gia BHYT được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ một phần mức đóng (sau đây gọi chung là Đại lý thu).

Đại lý thu và nhân viên Đại lý thu

Đại lý thu chỉ được phép hoạt động sau khi ký hợp đồng Đại lý thu; có điểm thu ổn định, thuận tiện và phải treo biển hiệu theo quy định (trừ Đại lý thu trường học). Nhân viên Đại lý thu phải qua lớp bồi dưỡng, đeo thẻ nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ (trừ Đại lý thu trường học) và hoạt động đúng phạm vi được ghi trong hợp đồng Đại lý thu, trên thẻ nhân viên Đại lý thu. Để đủ điều kiện làm nhân viên Đại lý Thu, ứng viên phải là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi đến 65 tuổi (nam) và đến 60 tuổi (nữ), đang tham gia BHYT hoặc BHXH; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hiểu biết chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, không vi phạm pháp luật; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ của nhân viên Đại lý thu; có trình độ văn hóa từ THCS trở lên. Bên cạnh đó, để đủ điều kiện làm Đại lý thu:

(1) UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội phải có tư cách pháp nhân đầy đủ; có nhân lực là người đang thường trú trên địa bàn xã, nhân viên do đơn vị quản lý, sử dụng bảo đảm điều kiện theo quy định; cam kết bồi thường khi để xảy ra thất thoát tiền thu BHXH, BHYT hoặc gây thiệt hại cho cơ quan BHXH và người tham gia BHXH, BHYT; có phương án tổ chức Đại lý thu.

(2) Tổ chức kinh tế phải có tư cách pháp nhân đầy đủ; có Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó ngành nghề kinh doanh phù hợp với dịch vụ thu hộ - chi hộ hoặc đại lý thu – chi; có phương án tổ chức Đại lý thu; có nhân viên do đơn vị quản lý (thuộc biên chế hoặc do đơn vị ký hợp đồng lao động) bảo đảm điều kiện theo quy định; có Chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng Đại lý thu của tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết bảo lãnh.

Đăng ký, thẩm định và ký hợp đồng Đại lý thu

Sau khi tổ chức làm Đại lý thu lập hồ sơ và gửi tới cơ quan BHXH:

(1) BHXH huyện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ), gửi BHXH tỉnh phê duyệt; trong thời hạn 05 ngày, sau khi nhận được kết quả phê duyệt của BHXH tỉnh, phải thông báo và ký hợp đồng Đại lý thu với tổ chức được BHXH tỉnh phê duyệt hoặc theo hướng dẫn của BHXH tỉnh.

(2) BHXH tỉnh thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề nghị làm Đại lý thu do BHXH huyện chuyển đến, trong 05 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ), thông báo kết quả cho BHXH huyện; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của tổ chức kinh tế có phạm vi hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, trong thời hạn 05 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ), gửi BHXH Việt Nam phê duyệt; trong thời hạn 05 ngày, sau khi nhận được kết quả phê duyệt của BHXH Việt Nam, ký hợp đồng Đại lý thu hoặc giao cho BHXH huyện ký với các tổ chức theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

(3) BHXH Việt Nam tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ đề nghị làm Đại lý thu do BHXH tỉnh chuyển đến và tổ chức có phạm vi hoạt động trên toàn quốc; trong thời hạn 10 ngày làm việc (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ), thông báo kết quả cho BHXH tỉnh.

Quyền lợi và trách nhiệm

Về phía Đại lý thu, sẽ được cung cấp văn bản, tài liệu nghiệp vụ, biên lai thu tiền, biểu mẫu, mẫu biển hiệu để thực hiện nhiệm vụ thu BHXH theo quy định; tham dự các khóa tập huấn, lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ do cơ quan BHXH tổ chức, nhân viên Đại lý thu được cấp thẻ để thực hiện nhiệm vụ; hưởng phí dịch vụ theo quy định của cơ quan BHXH; được đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh, bổ sung hợp đồng Đại lý thu khi gặp khó khăn không thể tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, có trách nhiệm thực hiện đúng các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng và phương án tổ chức đại lý thu đã được cơ quan BHXH phê duyệt, đồng thời, thông báo kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng Đại lý thu cho cơ quan BHXH; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan BHXH và phản ánh (bằng văn bản) kịp thời ý kiến, kiến nghị của người tham gia BHXH, BHYT cho cơ quan BHXh; tổ chức các điểm thu hợp lý; phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật và những thay đổi về chế độ BHXH, BHYT đến người tham gia; hướng dẫn người tham gia kê khai, thực hiện kiểm tra, đối chiếu thông tin và tiếp nhận giấy tờ bảo đảm đầy đủ, chính xác; thu đúng, đủ số tiền người tham gia phải nộp, lập danh sách, tổng hợp hồ sơ, đối chiếu biên lai thu tiền, số tiền đã thu... để nộp cho cơ quan BHXH định kỳ 03 ngày làm việc/lần, trường hợp số tiền thu lớn hơn 10 tháng lương phải nộp ngay trong ngày; vận động người chưa tham gia và đã tham gia BHXH, BHYT tiếp tục nộp tiền để đảm bảo thời gian tham gia liên tục theo quy định; nhận sổ BHXH, thẻ BHYT, kiểm tra, đối chiếu thông tin và yêu cầu cơ quan BHXH chỉnh sửa nếu có sai sót...; đối chiếu quyết toán biên lai thu tiền với cơ quan BHXH hằng tháng; theo dõi, tập hợp đầy đủ tài liệu liên quan đến quá trình tham gia BHXH, BHYT của người tham gia, bảo quản và sử dụng biên lai thu tiền đúng quy định; bồi thường trong trường hợp gây thất thoát trong bất kỳ trường hợp nào, do nguyên nhân khách quan hay chủ quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi thực hiện không đúng hợp đồng đã ký kết với cơ quan BHXH, vi phạm các quy định của pháp luật.

Về phía cơ quan BHXH:

(1) BHXH huyện có trách nhiệm rà soát, thống kê đối tượng tiềm năng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn, thống nhất số nhân viên Đại lý thu, bảo đảm trên địa bàn 01 xã không quá 03 loại Đại lý thu hoạt động và mỗi Đại lý thu có ít nhất 01 điểm thu (trừ Đại lý thu trường học); cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và giao chỉ tiêu thu BHXH, BHYT cho đại lý; cấp đầy đủ biên lai thu tiền, biểu mẫu nghiệp vụ, mẫu biển hiệu... cho đại lý; tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và số tiền Đại lý thu đã nộp và theo dõi, thống kê kết quả thu với từng đối tượng của từng Đại lý thu trên địa bàn, làm sổ, thẻ kịp thời bàn gian cho Đại lý thu sau khi ký Phiếu Giao nhận hồ sơ; quản lý, giám sát hoạt động của Đại lý thu; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra toàn diện hoạt động của Đại lý thu; bảo đảm quyền lợi của người tham gia khi Đại lý thu có vi phạm; báo cáo BHXH tỉnh tiêu chí biến động Đại lý thu trên địa bàn huyện; phổ biến, tập huấn những thay đổi chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho Đại lý thu trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được văn bản; ký hợp đồng Đại lý thu theo đúng quy định, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến Đại lý thu.

(2) BHXH tỉnh có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận, cấp thẻ... cho nhân viên Đại lý thu; quy định rõ trách nhiệm của BHXH huyện, các phòng nghiệp vụ trong việc hướng dẫn, quản lý, giám sát hoạt động của Đại lý thu và trách nhiệm nếu để Đại lý thu vi phạm hợp đồng; ký hợp đồng Đại lý thu hoặc hướng dẫn BHXH huyện ký với các tổ chức theo quy định; bảo đảm quyền lợi của người tham gia khi Đại lý thu có vi phạm; in, quản lý phôi và cấp giấy chứng nhận, thẻ nhân viên Đại lý thu, mẫu biển hiệu điểm thu, mẫu biểu theo quy định để BHXH huyện cấp cho Đại lý thu kịp thời; định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra toàn diện hoạt động của Đại lý thu trên địa bàn, xử lý và báo cáo BHXH Việt Nam trong những trường hợp vi phạm; đôn đốc, chỉ đạo BHXH huyện phổ biến, tập huấn những thay đổi chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho Đại lý thu; báo cáo BHXH Việt Nam tiêu chí biến động Đại lý thu trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm về những nội dung khác có liên quan.

Ngoài ra, theo Quyết định số 999/QĐ-BHXH, trường hợp Đại lý thu, nhân viên Đại lý thu có thành tích trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sẽ được khen thưởng theo quy định của BHXH Việt Nam.

Nguồn TC BHXH