Hội thảo đóng góp ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

15/10/2014 09:21 AM


Sáng 07/10/2014, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh. Tham dự hội thảo có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Vụ chức năng thuộc các Bộ: Tư pháp; Lao động –Thương binh và Xã hội; Tài chính; Bộ Công an… cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.


Báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, Trưởng Ban Pháp chế, BHXH Việt Nam Phan Văn Mến cho biết, trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, cùng nhiều hình thức vi phạm đa dạng, tinh vi, xảy ra trong quá trình thu, chi, giải quyết chính sách và quản lý Quỹ BHXH, BHYT. Các hành vi vi phạm này không chỉ gây thiệt hại đến Quỹ BHXH, BHYT, mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới những quyền quyền lợi thiết yếu của người lao động. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn tăng cao. Cụ thể, năm 2007 số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.734 tỷ đồng; đến hết năm 2013 tổng số nợ là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc trên 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,34% tổng số phải thu); tính đến 31/08/2014, tổng số nợ là trên 11,5 nghìn tỷ đồng. Số nợ tăng cao, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động khiếu nại, tố cáo, thậm chí có nơi còn tổ chức đình công, ảnh hướng đến trật tự an toàn xã hội.

Mặt khác, theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc, còn khoảng 05 triệu lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Quỹ BHXH, BHYT sẽ không thu được khoảng 56.000 tỷ đồng/năm, làm cho trên 05 triệu người mất quyền được đảm bảo các chế độ An sinh xã hội cơ bản. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì hiện có trên 300.000 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chi có 150.000 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký ttham gia BHXH. Như vậy, đã có đến 50% số đơn vị, doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động.

Trưởng Ban Pháp chế, BHXH Việt Nam Phan Văn Mến nhấn mạnh, căn cứ vào thực tế vi phạm, có thể chia vi phạm về BHXH, BHYT thành 03 nhóm chính, bao gồm: Nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT (Người sử dụng lao động không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; không đóng đủ số lao động và số tiền phải tham gia BHXH, BHYT; người sử dụng lao động đã khấu trừ tiền đóng BHXH, BHYT vào lương của người lao động nhưng chiếm dụng và không nộp cho cơ quan BHXH…); Nhóm hành vi vi phạm quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT (gian lận BHXH, tổ chức gian lận và tạo điều kiện cho người khác gian lận BHXH); Nhóm hành vi vi phạm liên quan đến việc quản lý và thực hiện BHXH, BHYT (thông đồng với cơ sở khám, chữa bệnh để trục lợi; giải quyết hưởng BHXH không có sổ BHXH;…).

Trên cơ sở thực tiễn vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia tại các cuộc hội thảo, BHXH Việt Nam đề xuất không truy cứu trách nhiệm hình sự ngay khi có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT mà cần thực hiện trên tinh thần “kết hợp thuyết phục với cưỡng chế”. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề nghị cá nhân là người đứng đầu của pháp nhân cũng là chủ thể của tội trốn đóng BHXH, BHYT. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu là cần thiết để góp phần giáo dục ý thức trách nhiệm của họ. Về hình phạt, tội trốn đóng BHXH, BHYT là tội phạm gắn với lợi ích kinh tế của cả bên bị hại cũng như bên phạm tội. Mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự loại hành vi phạm tội này nhằm bảo vệ Quỹ BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Do vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự vừa phải đảm bảo thu hồi được tiền đóng BHXH, BHYT và vừa tạo điều kiện cho bên có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT tồn tại và phát triển. Theo đó, BHXH Việt Nam đề nghị nên mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền. Hình phạt tù nên qui định áp dụng đối với người đứng đầu pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, cá nhân trong trường hợp phạm tội thực hiện thuộc khung hình phạt nặng nhất, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất việc bổ sung tội danh về BHXH, BHYT vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của đối tượng. Các đại biểu cũng cho rằng, khi đưa tội danh này vào Bộ luật Hình sự, chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT. Các ý kiến thảo luận tại hội thảo góp phần khái quát, và làm rõ được các tội danh, dấu hiệu hành vi phạm tội; chủ thể vi phạm, khung hình phạt, cũng như các tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ của tội phạm vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT bị xử lý hình sự. Các đại biểu cũng nhất trí các chủ thể phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự nếu đã nộp đủ số tiền phải đóng BHXH, BHYT theo quy định và khắc phục toàn bộ hậu quả xẩy ra.

 

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, đây là cuộc hội thảo có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện 02 chính sách An sinh xã hội của Nhà nước, với mục tiêu nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và nhân dân khi tham gia BHXH, BHYT. Cơ quan BHXH Việt Nam tiếp thu và ghi nhận toàn bộ các ý kiến thảo luận, góp ý của các nhà khoa học, đại diện các Bộ, ngành tại hội thảo lần này. Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc khẳng định, hội thảo đã làm rõ tội danh trốn đóng BHXH, BHYT, hành vi, chủ thể phạm tội và hình phạt áp dụng, dấu hiệu khung hình phạt tăng nặng. Việc bổ sung tội danh lĩnh vực BHXH, BHYT vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là cần thiết, nhưng không nên hình sự hóa ngay, cần nhắc nhở, phạt hành chính, xử lý hình sự là biện pháp cuối cùng. BHXH Việt Nam sẽ tiến hành rà soát để từ đó tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa báo cáo. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) tiếp tục củng cố và làm rõ các tội danh về BHXH, BHYT dự kiến được quy định trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này./.

Nguồn TC BHXH