Nghiệm thu Đề án về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo

28/12/2012 12:00 AM


Ngày 27/12/2012, BHXH Việt Nam tổ chức nghiệm thu Đề án “Quy định về công tác giải quyết khiếu nại theo Luật Khiếu nại và giải quyết tố cáo theo Luật Tố cáo của BHXH Việt Nam". TS. Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

 


Hoàn thiện quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành BHXH theo quy định mới là một yêu cầu khách quan (Ảnh minh họa)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam khẳng định: Trong thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (GQKNTC) và tiếp công dân (TCD) của BHXH Việt Nam được thực hiện theo Luật KNTC năm 1998 và QĐ số 3591/QĐ-BHXH ngày 27/12/2006. Tuy nhiên cơ sở cho việc xây dựng Quyết định số 3591/QĐ-BHXH là Luật KNTC năm 1998 đã được thay thế bởi Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011 có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 với nhiều điểm mới, quy định mới. Chính vì vậy, Quyết định số 3591/QĐ-BHXH không còn phù hợp với thực tiễn, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc khi thực hiện, khiến hiệu quả GQKNTC chưa cao. Bên cạnh những mặt tích cực, công tác GQKNTC của cơ quan BHXH các cấp còn có những tồn tại, hạn chế. Cùng với những kết quả đã đạt được, tình hình KNTC về BHXH, BHYT của công dân cũng có những diễn biến mới, chưa có chiều hướng giảm, số người trực tiếp đi KNTC vẫn còn nhiều, tính chất ngày càng gay gắt và phức tạp. Từ những lý do trên việc xây dựng Đề án “Quy định về công tác GQKN theo Luật KN và GQTC theo Luật TC của BHXH Việt Nam là một yêu cầu khách quan, cấp thiết.

Thay mặt đơn vị thực hiện Đề án, Chủ nhiệm Đề án Nguyễn Anh Minh, Trưởng Ban Kiểm tra báo cáo tóm tắt nội dung của Đề án. Thời gian qua, qua công tác GQKNTC của cơ quan BHXH các cấp đã kiểm tra, xác minh phát hiện nhiều trường hợp hưởng sai chế độ chính sách BHXH, BHYT, mỗi năm thu hồi được hàng trăm triệu đồng cho quỹ BHXH (năm 2009 thu hồi 140.113.137 đồng, năm 2010 thu hồi 559.700.000 đồng, năm 2011 thu hồi 256.847.578 đồng). Tại hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố đã bố trí được phòng TCD riêng, trang trọng, lịch sự, niêm yết công khai nội quy, quy chế, lịch TCD giúp công dân tìm hiểu khi thực hiện quyền KNTC. Hiện đội ngũ cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ tiếp công dân đã được từng bước kiện toàn, toàn ngành BHXH đã bố trí ổn định 921 viên chức tiếp công dân, trong đó: Tại BHXH Việt Nam 05 viên chức; tại BHXH tỉnh, thành phố 111 viên chức; tại BHXH quận, huyện 805 viên chức.

Xuất phát từ thực tiễn công tác GQKNTC và TCD của Ngành những năm qua và trên cơ sở những quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo năm 2011, Ban soạn thảo Đề án đã đưa ra dự thảo quy định về GQKNTC và TCD của BHXH Việt Nam. Dự thảo gồm có 05 chương, ngoài quy định chung và quy định về tổ chức thực hiện, còn quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và phối hợp GQKNTC; việc phân loại, xử lý đơn KNTC và quy định về thời hạn GQKNTC; trình tự GQKNTC; quy định các vấn đề về công tác tiếp công dân, cụ thể như: Địa điểm TCD; tổ chức bộ máy và bố trí viên chức làm nhiệm vụ TCD; thời gian TCD và trách nhiệm phối hợp TCD của Thủ trưởng cơ quan BHXH các cấp; tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của viên chức TCD; xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại nơi TCD…

Các thành viên Hội đồng đã có nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn thiện Đề án. Kết luận tại buổi nghiệm thu, TS. Đỗ Văn Sinh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, về cơ bản Đề án đã đặt được mục tiêu và thời gian đề ra. Yêu cầu Ban soạn thảo Đề án nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phản biện của các ủy viên Hội đồng, tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Đề án, kết cấu lại Đề án làm 3 chương và bổ sung phần khuyến nghị, trong phần giải pháp cần vạch ra tiến độ thực hiện, kế hoạch triển khai. Đề án đã được Hội đồng nghiệm thu đạt kết quả: Khá./.

Nguồn TC BHXH